Chiều nay (15/11), Ngân hàng Nhà nước vừa trao quyết định bổ nhiệm ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức chủ tịch ngân hàng. Hai năm qua, khi còn ở cương vị tổng giám đốc, ông Phan Đức Tú được giao là người đại điện pháp luật cho BIDV.
Tân chủ tịch BIDV sinh năm 1964 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông bắt đầu làm việc tại BIDV từ năm 1987 và trải qua nhiều vị trí ở ngân hàng này. Từ tháng 5/2012 đến nay, ông Tú giữ chức tổng giám đốc, thành viên HĐQT BIDV.
Cuối tháng trước, BIDV đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc sửa đổi điều lệ. Theo đó, từ quy định tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật sửa thành Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của BIDV. Nhiều người dự đoán đây là động thái trước khi BIDV đón chủ tịch mới.
Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016, ông Trần Anh Tuấn là người được giao phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng. Đến ngày 1/5, khi ông Tuấn thôi nhiệm, ông Bùi Quang Tiên được bầu làm ủy viên phụ trách điều hành hoạt động của BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022.
BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất và có sở hữu Nhà nước cao nhất khi tính đến cuối quý I/2018, tổng tài sản của BIDV đạt hơn 1,22 triệu tỷ đồng, với sở hữu của Nhà nước hơn 95%.
Mới đây, BIDV cũng công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông để phát hành cho Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc hơn 600 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại và 15% vốn điều lệ sau phát hành. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỷ đồng với giá phát hành theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện hành.
Nếu phương án tăng vốn được các cổ đông BIDV thông qua và thực hiện, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 40.220 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2018 và 2019. Thời gian hạn chế chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược là tối thiểu 5 năm kể từ khi đối tác lần đầu tiên trở thành cổ đông của ngân hàng.
BIDV hiện là ngân hàng quốc doanh trên thị trường chứng khoán có tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao nhất, đạt trên 95%. Sau khi phát hành thành công, sở hữu của cổ đông Nhà nước sẽ giảm xuống 81%, cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ 15% và phần còn lại hơn 4% sở hữu bởi các cổ đông khác.
Anh Tú