"Theo khuyến nghị của đội ngũ y tế chúng tôi, chính quyền không dự định dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh vào ngày 26/1", Jen Psaki, thư ký báo chí của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, hôm 18/1 cho hay. "Trên thực tế, chúng tôi có kế hoạch tăng cường các biện pháp y tế công cộng liên quan đến việc đi lại quốc tế để giảm thiểu hơn nữa virus lây lan".
Tuyên bố của Psaki được đưa ra vài phút sau khi Nhà Trắng xác nhận lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ với hành khách từ Anh, 26 nước trong khối Schengen và Brazil sẽ hết hiệu lực từ ngày 26/1, trong khi lệnh cấm đi lại đối với Trung Quốc và Iran vẫn được duy trì. Quyết định nới hạn chế đi lại này được áp dụng gần một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm, nên Biden với tư cách tân tổng thống hoàn toàn có quyền đảo ngược.
Chính quyền Trump từng xem xét dỡ bỏ hạn chế đi lại với các khu vực này từ tháng 11, sau khi nhận được sự ủng hộ từ nhóm chuyên trách Covid-19 của Nhà Trắng và quan chức y tế cộng đồng.
"Với tình hình đại dịch ngày càng trầm trọng và nhiều biến thể dễ lây lan hơn đang xuất hiện trên khắp thế giới, đây không phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế đối với đi lại quốc tế", Psaki cho biết thêm.
Lệnh cấm đi lại được áp dụng từ tháng 3/2020, trong đó ngăn những người không phải công dân Mỹ nhập cảnh vào nước này nếu từng ở Anh và 26 nước trong khối Schengen trong vòng 14 ngày trước đó. Biện pháp tương tự với hành khách từ Brazil được thông qua vào tháng 5/2020.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần trước ký văn bản yêu cầu hành khách nước ngoài phải trình kết quả xét nghiệm âm tính nCoV hoặc bằng chứng cho thấy đã hồi phục sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 để có thể nhập cảnh vào Mỹ.
Marty Cetron, giám đốc bộ phận di trú và cách ly toàn cầu của CDC, cho biết lệnh cấm nhập cảnh là chiến lược ban đầu nhằm đối phó đà lây nhiễm nCoV và "nên được chủ động xem xét lại". Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể tái áp đặt lệnh cấm đi lại sau khi nhậm chức vào ngày 20/1.
Nhiều quan chức chính quyền Mỹ cho rằng lệnh cấm không còn ý nghĩa vì phần lớn quốc gia trên thế giới không bị cấm đi lại với Mỹ, trong khi một số người khác kêu gọi giữ nguyên biện pháp này do hàng loạt nước châu Âu vẫn chặn công dân Mỹ nhập cảnh.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 24,6 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 408.000 người đã chết. Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc tương lai của CDC, cảnh báo Mỹ sắp "đối mặt những tuần đen tối ở phía trước" khi số người chết vì Covid-19 sẽ chạm ngưỡng 500.000 vào giữa tháng 2.
Huyền Lê (Theo AFP)