"Hôm nay, các nghị sĩ Hạ viện đã thực thi quyền lực được trao cho họ theo Hiến pháp của chúng ta và bỏ phiếu luận tội, yêu cầu tổng thống phải chịu trách nhiệm", Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 13/1.
Tuyên bố của Biden được đưa ra sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo thông qua điều khoản luận tội Trump với cáo buộc kích động bạo loạn. 232 nhà lập pháp, bao gồm 10 nghị sĩ Cộng hòa, ủng hộ luận tội Trump trong khi 197 người phản đối.
Tổng thống đắc cử Mỹ tập trung vào việc kêu gọi Thượng viện, hiện do đảng Cộng hòa chiếm đa số, nhanh chóng phê duyệt các lựa chọn nội các của ông để chính quyền mới có thể bắt đầu làm việc sau khi ông nhậm chức ngày 20/1.Phiên tòa luận tội Trump tại Thượng viện sẽ chỉ bắt đầu sau khi Biden nhậm chức.
"Quốc gia này vẫn trong vòng vây của loại virus chết người và một nền kinh tế chao đảo. Tôi hy vọng lãnh đạo Thượng viện sẽ tìm ra cách giải quyết các trách nhiệm trong Hiến pháp về việc luận tội, đồng thời giải quyết công việc cấp bách khác của đất nước", Biden cho biết thêm.
Sau khi thông qua điều khoản xem xét bãi nhiệm, Hạ viện Mỹ sẽ chuyển nó tới Thượng viện để tổ chức một "phiên tòa" xem xét điều khoản này và nó chỉ được thông qua nếu nhận được ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ, tức là cần 17 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa quay lưng với ông. Trong trường hợp bị Thượng viện "kết tội", tổng thống sẽ bị phế truất khỏi mọi chức vụ, theo quy định của Hiến pháp Mỹ.
Nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh thân cận của Trump, đang kêu gọi Biden yêu cầu các lãnh đạo Dân chủ hủy tiến trình luận tội Tổng thống. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Biden sẽ hối thúc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Charles Schumer hủy bỏ tiến trình.
Biden tránh công khai xem xét các nỗ lực luận tội, ra hiệu rằng ông sẽ để việc đó cho các lãnh đạo quốc hội khi ông tập trung vào các ưu tiên của chính quyền mới. Tổng thống đắc cử nói với phóng viên rằng ông đã liên hệ với các nghị sĩ Thượng viện để thảo luận liệu Thượng viện có thể phân chia thời gian làm việc, xem xét đề cử nội các và xét xử luận tội hay không.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)