Mike Pompeo, ngoại trưởng Mỹ dưới thời Trump, năm ngoái chỉ trích gay gắt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague. Washington áp đặt cả các biện pháp trừng phạt tài chính và lệnh cấm thị thực đối với công tố viên trưởng người Gambia Fatou Bensouda, sau khi bà mở cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh của quân nhân Mỹ ở Afghanistan.
Tòa án ở The Hague sau đó càng khiến Mỹ khó chịu hơn khi mở cuộc điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của Israel với Palestine. Israel là đồng minh của Mỹ và họ đã bác bỏ thẩm quyền của tòa án.
Người kế nhiệm Pompeo, Antony Blinken, cho biết Mỹ tiếp tục "bất đồng mạnh mẽ" với các động thái của ICC về Afghanistan và Israel. "Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những lo ngại của chúng tôi về những vụ này sẽ được giải quyết tốt hơn thông qua sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong quy trình của ICC hơn là thông qua việc áp đặt biện pháp trừng phạt", Blinken ra tuyên bố ngày 2/4.
Biden ngày 2/4 thu hồi lệnh hành pháp của Trump về các biện pháp trừng phạt, đồng thời dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với quan chức cấp cao của ICC Phakiso Mochochoko và lệnh cấm thị thực đối với các nhân viên khác của tòa án.
Bensouda dự kiến rời vị trí vào tháng 6 và sẽ được thay thế bởi luật sư nhân quyền người Anh Karim Khan. Silvia Fernandez de Gurmendi, người đứng đầu Hiệp hội các quốc gia thành viên ICC, bày tỏ hy vọng rằng quyết định này "báo hiệu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cam kết chung của chúng ta là đấu tranh chống lại tội ác chiến tranh".
Phương Vũ (Theo AFP)