Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Tổng thống Biden khi điện đàm với Tổng thống Putin đã truyền đạt những "quan ngại đối với những hành động của chính phủ Nga", gồm kêu gọi thả Navalny.
Ngoài kêu gọi Putin phóng thích Navalny, Biden cũng gây sức ép với Tổng thống Nga về nhiều vấn đề, như chủ quyền của Ukraine, vụ tấn công mạng nhằm vào chính phủ Mỹ mà giới chức Washington cho là có liên quan đến Moskva, đồng thời đề cập đến những báo cáo về việc Nga treo thưởng giết binh sĩ Mỹ ở Afghanistan cũng như nghi vấn Nga can thiệp bầu cử năm 2020.
Navalny, lãnh đạo đảng Liên minh Nhân dân Nga đối lập, bị bắt sau khi trở về Nga hôm 17/1 vì cáo buộc vi phạm quy định về án treo. Năm 2014, Navalny và anh trai Oleg bị kết tội biển thủ khoảng 500.000 USD từ hai công ty Nga trong năm 2008-2012. Nhà hoạt động 44 tuổi còn có nguy cơ đối mặt với rắc rối liên quan đến ba vụ án hình sự khác.
Mỹ và các nước châu Âu kêu gọi Nga thả Navalny, song Moskva bác bỏ, cho rằng đây là vấn đề nội bộ và yêu cầu các nước bên ngoài không can thiệp.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok thời Liên Xô, tương tự tuyên bố của nhà hoạt động này, nhưng Moskva đã nhiều lần bác bỏ. Điện Kremlin tuyên bố các hành động pháp lý với Navalny sẽ do cơ quan thực thi pháp luật liên quan tự định đoạt.
Trong cuộc điện đàm đầu tuần này, lãnh đạo Mỹ - Nga cũng thảo luận về việc gia hạn 5 năm đối với hiệp ước hạt nhân chiến lược New START, "thống nhất để các đội ngũ của hai bên khẩn trương làm việc để hoàn thành việc gia hạn trước ngày 5/2.
Huyền Lê (Theo Reuters)