Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/3 cử các đặc phái viên, trong đó có điều phối viên vấn đề biên giới của Nhà Trắng Roberta Jacobson, đến hai quốc gia Trung Mỹ để đàm phán cách kiềm chế lượng người di cư đang đổ về biên giới Mỹ - Mexico. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận phía Mỹ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ giới chức các nước này để chặn làn sóng di cư.
"Tất nhiên, một phần mục tiêu là chúng tôi cần hợp tác với các quốc gia này để giải quyết nguyên nhân gốc rễ ở quốc gia họ, truyền tải một cách rõ ràng và có hệ thống rằng đây không phải lúc để di cư", Psaki nói.
Hai đặc phái viên khác là Juan Gonzalez, giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia về Tây Bán cầu, và Ricardo Zuniga, nhà ngoại giao gốc Honduras vừa được bổ nhiệm làm đặc phái viên Tam giác Bắc (gồm ba nước Trung Mỹ là Guatemala, El Salvador và Honduras). Gonzalez sẽ đến Guatemala để gặp quan chức nước này cũng như đại diện từ các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ.
Cam kết của Biden về chấm dứt chính sách nhập cư cứng rắn thời cựu tổng thống Donald Trump đang trở nên phức tạp do lượng người di cư vượt biên bất hợp pháp gần đây tăng đột biến. Sự gia tăng lượng người di cư chạy trốn bạo lực, thiên tai và kinh tế khó khăn ở Trung Mỹ đang thử thách cam kết của Biden về một chính sách nhập cư nhân đạo hơn.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Emily Horne cho biết mục tiêu của Jacobson ở Mexico là phát triển "kế hoạch hành động hiệu quả và nhân đạo để giải quyết vấn đề di cư". Theo Bộ Ngoại giao Mexico, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong ngày 23/3. Trong khi đó, mục tiêu của Gonzalez ở Guatemala là "giải quyết nguyên nhân gốc rễ của di cư và xây dựng tương lai đầy hy vọng hơn trong khu vực", Horne nói.
Giới chức Mỹ đang phải vật lộn để tìm nơi lưu trú và xử lý số lượng trẻ em không có người lớn đi kèm ngày càng tăng ở biên giới. Nhiều em bị giam đến 10 ngày trong lúc chờ được đưa vào trung tâm tạm trú do chính phủ điều hành, dù luật liên bang quy định tối đa 72 giờ.
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng biên giới Mỹ - Mexico đang trải qua "khủng hoảng di cư", nhưng Nhà Trắng và Biden tránh dùng từ này để mô tả tình hình.
Psaki cho biết chính quyền đặt 17.118 quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và 6 ngôn ngữ bản địa trên đài phát thanh để ngăn người di cư từ Trung Mỹ và Brazil đến Mỹ, bên cạnh 589 quảng cáo kỹ thuật số. Mexico đang tăng cường thực thi pháp luật tại biên giới phía nam nhằm ngăn dòng người di cư vào nước này để đến Mỹ.
Huyền Lê (Theo Reuters)