Theo kế hoạch, gói cơ sở hạ tầng sẽ được giải ngân trong 8 năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ được nâng từ 21% lên 28% để có ngân sách cho việc này.
Phát biểu tại Pittsburgh, Biden gọi đây là một tầm nhìn để tạo ra "nền kinh tế mạnh nhất và sáng tạo nhất thế giới" với hàng triệu "việc làm thu nhập tốt". Nhà Trắng cho biết nâng thuế, cùng với các biện pháp ngăn doanh nghiệp chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, sẽ đóng góp ngân sách cho kế hoạch cơ sở hạ tầng trong vòng 15 năm.
Những đề xuất của Biden gồm 621 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ trực tiếp 400 tỷ USD cho chăm sóc người già và khuyết tật, hơn 300 tỷ USD cải thiện cơ sở hạ tầng về nước uống, mở rộng Internet băng thông rộng và nâng cấp lưới điện, hơn 300 tỷ USD xây nhà ở xã hội và trường học, 580 tỷ USD cho sản xuất – nghiên cứu & phát triển – đào tạo việc làm.
Đây là sáng kiến lớn thứ 2 của Biden sau khi gói giải cứu nền kinh tế trong đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD được thông qua vào tháng trước. Lần này, chính quyền Biden tập trung vào tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng và chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ cho biết "trong vài tuần tới", ông sẽ công bố phần thứ hai của gói phục hồi, tập trung vào cải thiện giáo dục, mở rộng chính sách nghỉ hưởng lương và chăm sóc y tế. "Đây là những khoản đầu tư chúng ta cần làm", ông nói, "Chúng ta có thể chi trả cho việc đó".
Dù vậy, đề xuất của ông vẫn cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng thách thức vẫn tồn tại. Đảng Cộng hòa ủng hộ nỗ lực tái thiết cơ sở hạ tầng, nhưng phản đối kế hoạch tăng thuế.
Hà Thu (theo CNBC)