Các nhà khảo cổ phát hiện bức bích họa hồi tháng 11/2020, sau khi các nông dân địa phương phá hủy công trình đề thờ trong quá trình mở rộng đồn điền trồng mía và bơ.
Khi các nhà khoa học kiểm tra tượng đài, họ tìm thấy hình sơn trên nền trắng ở bức tường phía nam, với nhiều gam màu như màu hoàng thổ, vàng và xám. Régulo Franco Jordán, giám đốc khám phá khảo cổ của Hiệp hội Augusto N. Wiese, một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận ở Peru, cho biết bức bích họa khoảng 3.200 năm tuổi và nhiều khả năng có ý nghĩa đặc biệt về mặt nghi thức. Hình vẽ trên bích họa là nữ thần nửa người nửa nhện, một loài vật quan trọng trong nền văn minh Cupisnique.
Bức tường chứa bích họa hình thần nhện hướng ra con sông cắt ngang thung lũng Virú, có nghĩa nữ thần có mối liên hệ với nước. Những nghi thức linh thiêng có thể được thực hiện trong ngôi đền vào mùa mưa từ tháng 1 tới tháng 3, khi mực nước sông cao nhất, theo Jordán.
Nền văn minh Cupisnique thống trị dọc vùng ven biển phía bắc Peru từ khoảng năm 1250 trước Công nguyên tới năm 1. Người dân bản xứ xây dựng những đền thờ đầu tiên trong vùng trong thời gian đó. Nữ thần nhện thường hiện diện trên đĩa và cốc gốm, liên quan tới sinh sản.
Khoảng 60% đền thờ bị nông dân phá hủy. Tất cả đền thờ còn sót lại đều là tòa nhà nhỏ cao 5 m và rộng 15 m. Để bảo vệ bích họa mang tên "Tomabalito", Jordán đã liên hệ với văn phòng của Bộ Văn hóa Peru ở La Libertad để yêu cầu họ hạn chế người ra vào khu vực.
An Khang (Theo Live Science)