Triều Lê Sơ là vương triều phát triển rực rỡ bậc nhất thời kỳ phong kiến Việt Nam, gắn liền với tên tuổi các vua anh minh, như Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông… Công lao của mỗi hoàng đế gắn với một thời kỳ lịch sử nhất định. Nếu Lê Thái Tổ có công đánh đuổi giặc Minh, bình định thiên hạ, khai sinh ra vương triều Hậu Lê thì vua Lê Thánh Tông lại là hiện thân của thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt.
Lê Thánh Tông (1442-1497) là hoàng đế thứ năm của nhà Lê Sơ, trị vì 38 năm từ 1460. Trong thời kỳ Lê Thánh Tông nắm quyền, nhà nước Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị đến quân sự và mở rộng đáng kể lãnh thổ sau nhiều cuộc chinh chiến với Chiêm Thành, Ai Lao. Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành cường quốc trong khu vực, khiến nền quân chủ chuyên chế Việt Nam đạt đến đỉnh cao. Thời kỳ này được gọi là thời Hồng Đức thịnh trị.
Sách Lăng mộ - Bia ký các vua và hậu còn lại ở Lam Kinh và bia Chiêu Lăng ghi, trong 38 năm trị vì Lê Thánh Tông đã xây dựng thiết chế quân chủ tập quyền cao độ nhằm tập trung quyền lực vào tay hoàng đế. Ông soạn thảo ra nhiều bộ luật hành chính để trị nước, với sự ra đời của bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) được coi là bộ luật tiên tiến cho đến ngày nay vẫn còn nhiều giá trị. Lê Thánh Tông rất chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là ưu đãi kẻ sĩ. Ông coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước, coi "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
Cũng dưới thời vua Lê Thánh Tông, việc canh phòng và gìn giữ biên cương được chú trọng. Nhà vua thường đi tuần phòng ở các vùng biên ải cùng binh lính. Ông tha thiết với chủ quyền quốc gia, vì vậy bản đồ đầu tiên của quốc gia Đại Việt được hoàn thành dưới thời vua này...
Ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1497), vua lâm bệnh và băng hà ở cung Bảo Quang, sau đó được rước về Lam Kinh và an táng tại Chiêu Lăng. Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi (tức bia Chiêu Lăng) được tạc dựng vào năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498), đời vua Lê Hiến Tông. Hiện bia Chiêu Lăng được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Nội dung ghi lại thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông.
Bia cổ có trọng lượng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được làm bằng đá xanh nguyên khối. Bia cao 2,76 m, rộng 1,9 m, dày 0,28 m; rùa dài 2,65 m, rộng 1,89 m, cao 0,69 m. Văn bia có hình chữ nhật, trán bia hình vòng cung, mặt trước khắc nổi 3 hình rồng, chính giữa là một con rồng lớn, hai bên khắc hai rồng uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa.
Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song nối từ đỉnh xuống đế, giữa hai đường chỉ nổi mỗi bên trang trí thêm 6 hình rồng uốn lượn (rồng yên ngựa) trong tư thế vờn lên. Phần diềm đế bia trang trí tương xứng 6 rồng, mỗi bên 3 con nối nhau chầu vào. Hai bên hông bia, mỗi bên khắc một rồng yên ngựa lớn, đầu rồng chạm hoa văn hình đao lửa, tư thế bay cao, đuôi rồng trang trí hoa văn hình tam sơn và sóng nước, trên tam sơn là vân mây.
Bia Chiêu Lăng khắc chữ Hán cả hai mặt. Mặt trước tên bia được chạm theo lối chữ Triện gồm 7 chữ: Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi (nghĩa là, bia Chiêu Lăng ở Lam Sơn nước Đại Việt). Toàn văn bia khắc kiểu chữ Khải chân, mặt trước có 58 dòng với hơn 3.000 chữ. Người soạn văn bia là Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lưu Hưng Hiếu.
Dưới đế bia là con rùa lớn đầu ngẩng cao, dáng rùa thoải mái tự nhiên. Trên lưng rùa sát cổ trang trí hoa văn hình lá đề móc câu, phía sau trang trí dải hoa văn hình mây lửa vắt ngang mai. Bốn bàn chân rùa lộ 5 móng, đuôi vắt ngược lên. Kỹ thuật chế tác bia Chiêu Lăng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2016, bia Chiêu Lăng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây cũng là bảo vật quốc gia thứ 8 ở Thanh Hóa, được Thủ tướng công nhận.
Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh đánh giá, bia Chiêu Lăng không chỉ là pho sử liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông mà còn là chứng cứ lịch sử, văn bản gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, góp phần bổ sung tư liệu cho chính sử.
Người soạn văn bia đều là những nhà khoa bảng, văn thần tên tuổi trong hội Tao Đàn Thập nhị bát tú. Điều đặc biệt ở tấm bia này là ngoài nội dung văn bia nói về thân thế, sự nghiệp của Lê Thánh Tông, mặt sau bia còn khắc một bài thơ của vua Lê Hiến Tông, 35 bài thơ họa vần của các văn thần, danh nho nổi tiếng thời bấy giờ ca ngợi công đức của vua Lê Thánh Tông.
Bảo vật quốc gia văn bia cổ 500 năm ở Lam Kinh.
“Bên cạnh giá trị lịch sử, bia Chiêu Lăng còn là tác phẩm trang trí kiến trúc nghệ thuật mang nhiều giá trị tiêu biểu thời Lê Sơ. Nghệ thuật điêu khắc ở đây dù hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nhưng khá công phu, đường nét trau chuốt, tỉ mỉ được thể hiện qua từng chi tiết chạm khắc...”, ông Dương cho hay.
Lê Hoàng