Năm 2016, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa văn hóa bia Bỉ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tại Việt Nam, lễ hội văn hóa bia Bỉ được tổ chức thường niên từ năm 2014, mang đến hơn 2.000 loại bia khác nhau, góp phần đưa nền văn hóa bia trù phú của Bỉ đến gần hơn với người tiêu dùng Việt. Sự kiện đón tiếp hàng nghìn người tham dự mỗi năm là tín hiệu tích cực cho thấy bia Bỉ được người tiêu dùng đón nhận.
Đại diện Công ty Anheuser-Busch InBev (AB InBev) - nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới cho biết bia Bỉ là sản phẩm chủ đạo khai thác phân khúc cao cấp tại thị trường bia Việt Nam trong thời gian tới.
Với hương vị đặc trưng và mang dấu ấn văn hóa đậm nét, một số dòng bia Bỉ đang được người Việt đón nhận như Hoegaarden, Stella Artois, Leffe... Hầu hết các loại bia này đều có nguồn gốc hàng trăm năm, được ủ bằng phương pháp truyền thống và đặc trưng của các cộng đồng dân cư tại Bỉ.
Nổi bật trong số đó là bia Hoegaarden - thương hiệu bia trắng đạt huy chương vàng trong cuộc thi World Beer Cup năm 2016. Xuất hiện lần đầu vào năm 1445, Hoegaarden là thành quả ra đời từ sự đột phá trong quy trình sản xuất của một nhóm thầy tu tại ngôi làng cùng tên. Hoegaarden được xem như tinh hoa của nền văn hoá nấu bia Bỉ, mang lại những trải nghiệm độc đáo cho người uống với vị đắng nhẹ, dễ uống, phảng phất hương vị rau mùi và vỏ cam.
Để cạnh tranh với các dòng bia lâu năm tại Việt Nam, AB InBev đầu tư mạnh cho khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối và quảng bá các thương hiệu bia. Trong năm 2015, nhà sản xuất bia đến từ Bỉ đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Bình Dương với công nghệ hiện đại đạt chuẩn toàn cầu.
Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất bia mới đây tại Việt Nam, ông Geert Bourgeois - Thủ hiến vùng Flanders (Bỉ) nhận định nhà máy AB InBev tại khu công nghiệp Bình Dương là công trình hiện đại với sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ và cơ sở hạ tầng.
"Tôi ấn tượng với tiêu chuẩn an toàn tại nhà máy và quy trình sản xuất bia. Thị trường bia Việt Nam rất có triển vọng và AB InBev đang phát triển không ngừng tại đây, làm nền tảng xuất khẩu sang 9 nước thuộc Đông Nam Á", ông Bourgeois nói.
Theo Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát (VBA), năm 2017, sản lượng tiêu thụ bia trên cả nước đạt hơn 4 tỷ lít, tăng 6% so với năm 2016. Dự kiến đến năm 2020, mức tiêu thụ bia có thể đạt 4,1 tỷ lít, tức bình quân mỗi người Việt uống khoảng 43 lít một năm. Cũng theo VBA, hiện có 129 nhà máy sản xuất bia hoạt động tại Việt Nam. Còn theo Euromonitor, thị trường bia Việt Nam hiện có giá trị khoảng 147.200 tỷ đồng và hứa hẹn sẽ còn tăng trưởng mạnh về khối lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2016-2021. Với tốc độ tăng trưởng nhanh của văn hoá tiêu dùng đường phố và đô thị hoá, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp ngành bia.
Đại diện AB InBev nhận định tình hình cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi công ty nỗ lực, tăng đầu tư cho việc phát triển và định hình thương hiệu. Công ty xác định Việt Nam là trụ sở của khu vực để tập trung phát triển tại thị trường này đồng thời giúp hãng bia đẩy mạnh xuất khẩu ra 9 quốc gia thuộc Đông Nam Á.
AB InBev là công ty bia lớn nhất thế giới có xuất xứ từ Bỉ, hiện thuộc top 5 doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp có những thương hiệu bia nổi tiếng như Budweiser, Corona, Beck's...
Khánh Anh