Đảo Princess Elisabeth là một phần trong Khu Princess Elisabeth lớn hơn, một vùng sản xuất năng lượng tái tạo ngoài khơi ở Biển Bắc, Interesting Engineering hôm 26/4 đưa tin. Cơ sở này ở cách vùng ven biển Bỉ 45 km với một phần kinh phí xây dựng đến từ Liên minh châu Âu. Đây sẽ là lưới điện trên biển, cung cấp điện cao thế dưới dạng dòng điện một chiều (HVDC) và xoay chiều (HVAC). Cơ sở hạ tầng điện thế cao trên đảo sẽ kết hợp những nguồn năng lượng tái tạo để phân phối điện cho Khu Princess Elisabeth. Hòn đảo cũng đóng vai trò như nguyên mẫu để xây đường dây hợp mạng trong tương lai, xử lý nhu cầu trao đổi năng lượng giữa các nước và nối với nhiều trang trại điện gió mới ở Biển Bắc.
Nhằm tạo ra đảo năng lượng nhân tạo, kỹ sư sử dụng ước tính 2,3 triệu m3 cát. Từ tháng 9/2023, một đội 300 công nhân làm việc mỗi ngày ở công trường tại Flushing, Hà Lan. Họ bận rộn xây dựng những thùng lặn không thấm nước. Mỗi thùng lặn mất 3 tháng để hoàn thành và là bộ phận quan trọng để xây đảo Princess Elisabeth, đảo năng lượng nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Thùng lặn sẽ tạo thành lớp tường ngoài của đảo. Cấu tạo từ bê tông, mỗi thùng lặn dài 57 m và rộng gần 30 m. Quá trình sản xuất chia thành 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn mất 20 ngày để hoàn thành. Ấn tượng nhất trong số này là giai đoạn cốp pha trượt, tạo ra thành thùng lặn. Mỗi giờ thành thùng lặn cao thêm gần 10 cm và kéo dài trong 10 ngày liên tiếp.
Sau khi sẵn sàng, thùng lặn nặng 22.000 tấn. Một tàu bán ngầm sẽ vận chuyển nó tới cảng để đặt dưới nước nhằm lưu trữ tạm thời. Cuối mùa hè năm nay, thùng lặn sẽ được chuyển tới địa điểm lắp đặt ở Biển Bắc. Tại đó, quá trình thi công đảo năng lượng sẽ hoàn thành vào năm 2026, sau đó, công nhân có thể bắt đầu lắp thiết bị điện.
Đảo Princess Elisabeth sẽ đi vào hoạt động năm 2030. Trong khi các nước tìm cách cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, những giải pháp năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời ngày càng phổ biến. Những nước châu Âu giáp Biển Bắc đang xây dựng trang trại điện gió lớn ở vùng biển lạnh để tối đa hóa công suất điện từ gió mạnh. Tuy nhiên, họ cần cơ sở hạ tầng hỗ trợ để truyền năng lượng tái tạo sản xuất được tới nhà dân khi công suất tăng lên. Đó cũng là lý do Bỉ xây đảo năng lượng nhân tạo gần trang trại điện gió.
An Khang (Theo Interesting Engineering)