Trước hết, truy tìm là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan chức năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ trong tố tụng hình sự, như truy tìm chủ tài sản bị bỏ quên, truy tìm lái xe gây tai nạn...
Truy tìm trong hoạt động điều tra hình sự là việc cơ quan điều tra tìm kiếm một ai đó khi nghi ngờ họ có hành vi phạm tội, liên quan đến tội phạm hoặc họ là nhân chứng, nạn nhân trong vụ án hình sự...
Bỏ trốn là hành vi cố ý không trình diện khi được mời làm việc mà không có lý do chính đáng, cố tình trốn tránh sự truy tìm của cơ quan thực thi pháp luật. Người bỏ trốn thường có một số hành vi như che giấu chỗ ở, thường xuyên thay đổi chỗ ở, tắt điện thoại di động, thay đổi họ tên...
Bên cạnh việc xác định ý thức chủ quan của người bỏ trốn, cơ quan chức năng có thể phải xem xét ý thức, thái độ người thân thích của người bỏ trốn. Nhiều trường hợp người thân biết thông tin về chỗ ở, số điện thoại của người bỏ trốn nhưng cố tình không cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Do vậy, việc xác định một người có hành vi bỏ trốn hay không cần xem xét nhiều yếu tố chứ không thể chỉ căn cứ việc không có mặt ở nơi ở hoặc nơi làm việc.
Đối với công dân, về nguyên tắc, việc tự do đi lại, cư trú được pháp luật bảo vệ.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú năm 2020 việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau:
a) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
b) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
c) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;
d) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này;
đ) Các trường hợp khác theo quy định của luật.
Như vậy, với quy định nói trên, người bị tố giác tội phạm nhưng chưa bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú của cơ quan có thẩm quyền thì không bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Về khai báo, đăng ký tạm trú, theo khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Trường hợp công dân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú thì có nghĩa vụ phải khai báo tạm vắng.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội