Ngày 4/5, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết như trên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4. Các quyết định tố tụng với ông Thái được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, thực thi ngày 1/5.
Theo ông Xô, khi nghe lãnh đạo Ban Chuyên án báo cáo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "gửi lời khen ngợi và đề nghị quyết liệt hơn nữa với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Từ tháng 12/2014 đến 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên doanh trúng 38 gói thầu tại 16 tỉnh, thành trên cả nước với tổng giá trị 23.000 tỷ đồng. Bộ Công an nhận thấy riêng năm 2022-2023, Thuận An "phát triển nóng", trúng nhiều gói thầu trị giá 18.000 tỷ đồng, trong số này nhiều gói thầu thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau Covid-19. Việc này được cơ quan điều tra cho rằng "là điều rất đặc biệt".
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết bị can Phạm Thái Hà (cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội) và Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch tập đoàn Thuận An) đã khai báo "rất thành khẩn, với nhiều chi tiết, tình tiết để làm rõ vụ án". Bộ Công an kêu gọi những ai có sai phạm hãy ra đầu thú để hưởng khoan hồng trước pháp luật.
10 ngày trước, ông Phạm Thái Hà bị bắt với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Vụ án tại tập đoàn Thuận An được Bộ Công an công bố khởi tố hôm 15/4 khi bắt ông Nguyễn Duy Hưng và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó tổng giám đốc, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Ông Trần Anh Quang, Tổng giám đốc, bị bắt về tội Đưa hối lộ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Thuận An Group) tiền thân là Công ty Cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, thành lập từ năm 2004. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện, năng lượng tái tạo, bất động sản.
Tại Bắc Giang, doanh nghiệp tham gia liên danh xây dựng cầu Đồng Việt do Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, tổng mức gần 1.500 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái, 54 tuổi, có sự nghiệp chính trị gắn liền với quê hương. Ông từng là Trưởng Chi cục thuế thị xã Bắc Giang; Phó chủ tịch, Chủ tịch thành phố Bắc Giang; Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Ông làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang từ tháng 10/2020.
Từ tháng 6/2022, ông Thái làm trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Bắc Giang. Với cương vị này, ông nhiều lần yêu cầu "phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các tập thể, cá nhân có sai phạm theo tinh thần sai đến đâu xử lý đến đó, không có loại trừ, không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng".
Trước khi bị bắt ông Thái là đại biểu Quốc hội khóa 15 và là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Hôm 26/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông. Chiều qua, Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với ông Thái.
Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội quy định không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với đại biểu phạm tội quả tang mà bị tạm giữ, cơ quan tạm giữ phải báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.