VnExpress phỏng vấn ông Hiếu về những khó khăn, thuận lợi sau khi mô hình "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Tháng 1/2021, Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức hiệu lực. Đến tháng 4, bộ máy thành phố được tổ chức ổn định và vận hành. Hiện, công tác tiếp dân, nhận các hồ sơ thủ tục của doanh nghiệp và người dân diễn ra bình thường. Ở ba khu vực (3 quận cũ trước đây) vẫn duy trì 3 điểm tiếp công dân và giải quyết thủ tục hành chính. Tương lai, trung tâm hành chính của thành phố đều tập trung ở khu vực đường Trương Văn Bang (quận 2 cũ) sẽ tiện lợi nhất cho người dân.
Trong tháng 5, UBND TP Thủ Đức triển khai thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3, 4, tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà. Địa phương đẩy mạnh chương trình đô thị thông minh nhằm tích hợp dữ liệu, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiếp theo, cơ quan chức năng triển khai các bước để tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia, nhà đất, quy hoạch đô thị, y tế, giáo dục... Những bước triển khai này giúp việc làm thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp diễn ra nhanh hơn.
- Năm 2021, TP Thủ Đức được giao thu ngân sách khoảng 8.400 tỷ đồng, bằng thu ngân sách quận 2,9 và Thủ Đức gộp lại. Nhưng sau đó làm việc với địa phương, Chủ tịch UBND thành phố giao mục tiêu thu 10.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ này đã đươc thành phố thực hiện thế nào?
- Chưa có con số chính thức nhưng vừa rồi chúng tôi đánh giá thu ngân sách 10 tháng đầu năm thì thấy khả năng năm nay thu vượt 10.000 tỷ đồng. Nếu thu đúng, thu đủ tất cả doanh nghiệp trên địa bàn, nguồn thu ngân sách của Thủ Đức rất lớn.
Chúng tôi đang kiến nghị cho chi cục Thuế Thủ Đức được quản lý toàn bộ hoạt động doanh nghiệp trên địa bàn, trừ khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)... Điều này tạo thuận lợi cho quản lý, lúc đó doanh nghiệp không cần phải ra khỏi thành phố làm thủ tục nữa. Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử sẽ được thành phố đẩy mạnh phục vụ tốt hơn.
TP Thủ Đức thành lập gần một năm nhưng đã mất 5 tháng phòng chống dịch. Với quy mô hơn 1,2 triệu người, cộng với lực lượng chuyên gia, lao động, công nhân, sinh viên đông đảo nên việc phòng chống dịch ở địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, thành phố phối hợp nhiều đơn vị duy trì các hoạt động cảng, xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa... góp phần đưa kinh tế TP HCM phát triển ổn định.
- TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho TP HCM - hơn 1.370.000 tỷ đồng (năm 2020), trở thành trung
tâm khoa học, công nghệ cao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian tới, Thủ Đức sẽ thực hiện những mục tiêu này ra
sao?
- TP Thủ Đức còn rất nhiều việc phải thực hiện chứ không phải một sớm, một chiều đạt ngay mục tiêu đó. Thành phố cần được đầu tư về nhân lực, ngân sách và đặc biệt cơ chế, chính sách để phát huy thế mạnh vốn có, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới cho địa phương.
Trong các nhiệm vụ, việc đầu tiên thành phố phải rà soát lại, xin Trung ương điều chỉnh quy hoạch tổng thể để tạo những lợi thế về không gian phát triển mới. Trên nền tảng đó, Thủ Đức mới kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thực hiện bồi thường, thu hồi đất để lập ra các dự án quy mô lớn, tạo sức hút đầu tư, giá trị gia tăng mới. Với những khu vực đã quy hoạch, thành phố phải tiếp tục đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh...
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của TP Thủ Đức lúc này là cần xử lý dứt điểm những tồn tại cũ như khiếu nại ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia hay một số khu dân cư khác để không cản trở sự phát triển. Chúng tôi đã thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác phối hợp sở ngành, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP HCM khắc phục những hạn chế này. Khi những trở ngại trên được giải quyết, tạo sự đồng thuận, thành phố sẽ dễ kêu gọi đầu tư, doanh nghiệp tham gia các dự án không phải đối mặt với tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.
- Một trong những lo ngại của người dân khi thành lập TP Thủ Đức là những khiếu kiện ở Khu đô thị mới Thủ
Thiêm bị lãng quên. Trong thẩm quyền của mình, Thành phố dự kiến xử lý vấn đề này như thế nào?
- Ở những vấn đề thuộc thẩm quyền, Thủ Đức phối hợp các sở ngành giải quyết như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ví dụ, tại khu 4,39 ha ở phường Bình An (hiện là phường An Khánh) được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thành ủy và HĐND TP HCM, vừa qua chính quyền tiến hành lập lại hồ sơ bồi thường cho người dân.
Một năm qua, chúng tôi phối hợp Ban quản lý Khu Thủ Thiêm và các đơn vị đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng một số khu đất để bố trí tái định cư, bồi thường cho người dân. Từ đầu tháng 12 đến nay, chúng tôi tiếp tục mời các hộ dân lên để hoàn tất công tác bồi thường. Cơ quan chức năng đang tiến hành bốc thăm chọn đất để bồi thường cho người dân. Thủ Đức cố gắng hoàn thành việc này trước Tết Nguyên đán, sớm ổn định cuộc sống người dân mà nhiệm vụ Thành uỷ TP HCM giao.
Bên cạnh đó, việc khiếu nại của người dân xung quanh vấn đề "5 khu phố 3 phường" được cho là ngoài ranh khu đô thị thì Trung ương sẽ đối thoại, gặp gỡ người dân. Thủ Đức sẽ tổ chức, tham gia những cuộc như thế này.
- Khi lập TP Thủ Đức, các chuyên gia cho rằng, có thể áp dụng mô hình "thành phố trong thành phố" như Gangnam (Seoul, Hàn Quốc) và Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) đem lại nhiều hiệu quả, tức là Thủ Đức cần được xem là "dự án trọng điểm quốc gia" với các cơ chế đặc biệt, trao quyền tự chủ cần thiết để phát huy khả năng, tiềm lực. Ý kiến của ông thế nào?
- Mỗi quốc gia, mỗi địa phương có những thể chế cũng như quy định pháp luật rất khác biệt. Ở đây, Thủ Đức là "thành phố trong thành phố" đầu
tiên của cả nước nên sẽ trở thành mô hình mẫu. Việc này cũng tạo nhiều thử thách cho người thực hiện.
Ở một số quốc gia, người ta có thể hình thành đô thị mới từ một làng chài, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ triển khai rất nhanh, thu hồi đất tương đối thuận lợi. Trong khi đó, Thủ Đức là đô thị phát triển từ rất sớm với mật độ dân cư dày đặc nên làm gì cũng liên quan vấn đề thu hồi đất. Bởi đất đai là cơ sở thành phố kêu gọi đầu tư dự án, khu đô thị mới...
Việc phát triển, xây dựng dự án phải làm sao dung hòa mối quan hệ, lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Cho nên nếu lấy hình mẫu thành công ở nước ngoài để làm mô hình phát triển trong nước sẽ rất khó vì xuất phát điểm khác nhau, điều kiện, thể chế khác nhau.
Nếu có quy hoạch tốt, được Trung ương và TP HCM đầu tư về nhân lực, tài chính và trao những thể chế cần thiết, Thủ Đức sẽ phát triển nhanh. Mình cũng không quá nôn nóng để tránh phát sinh những hệ lụy.
- Tại hội nghị thu hút đầu tư vào Thủ Đức mới đây, có ý kiến nói rằng là thành phố hình thành từ 3 quận, có diện tích lớn, dân số đông, rất tiềm năng nhưng thẩm quyền của Thủ Đức không khác gì các quận huyện. Bởi đụng đến cái gì thành phố cũng phải đề xuất, xin TP HCM. Đánh giá của ông về vấn đề này ra sao?
- Nói Thủ Đức không khác gì các quận, huyện khác cũng chưa chính xác lắm. Bởi về mặt quy mô, tính chất, Thủ Đức có sự khác biệt những địa phương khác. TP HCM cũng có cơ chế phân công các lãnh đạo sở ngành hình thành tổ công tác để hỗ trợ Thủ Đức đẩy nhanh các nhiệm vụ.
Ví dụ ở lĩnh vực quy hoạch, TP HCM giao Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thường xuyên phối hợp Thủ Đức rà soát tất cả vấn đề quy hoạch để có giải pháp, phương án khả thi. Liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng, thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có tổ công tác đặc biệt hỗ trợ Thủ Đức giải quyết các vấn đề liên quan. Như vậy, thay vì lãnh đạo Thủ Đức phải đi lên các sở, ở đây các lãnh đạo sở, ngành cùng đi xuống, cùng chia sẻ với địa phương...
Tuy nhiên, để phục vụ người dân, doanh nghiệp và động lực phát triển mới, Thủ Đức mong có những chức năng, nhiệm vụ và được phân cấp, ủy quyền giải quyết nhanh công việc hơn. Với những vấn đề trong thẩm quyền TP HCM, chúng tôi đang kiến nghị lãnh đạo thành phố để có Nghị quyết về việc này.
Đơn cử, chúng tôi đang xin TP HCM giao cho Thủ Đức quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn và địa phương sẽ thành lập một trung tâm để quản lý. Khi đó, tất cả vấn đề hạ tầng được tập trung về một đầu mối, thay vì việc duy tu, bảo dưỡng đường do Sở Giao thông Vận tải phụ trách, lĩnh vực công viên cây xanh, thoát nước do Sở Xây dựng, rồi xử lý rác thải do Sở Tài nguyên và Môi trường... như hiện nay.
Nếu làm như trên, các nhu cầu người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện nhanh chóng nhất ngay tại địa bàn. Việc này cũng là cách thực hiện đột phá yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị. Vì chính quyền đô thị là phải quản trị được đô thị của chính mình và tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất và sát nhu cầu người dân nhất. Địa phương sẽ là nơi rành rẽ nhất các vấn đề trên địa bàn, biết được đường chỗ nào đang có "ổ voi", chỗ nào ngập úng, cây xanh nào đang chết, chỗ nào thiếu sáng...
Với các cơ chế thuộc thẩm quyền Trung ương, hiện UBND TP HCM lập ra các tổ công tác phối hợp viện nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp rồi cả các chính quyền địa phương xây dựng dự thảo cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức trình Trung ương.
- Trong Nghị quyết trình Thành uỷ TP HCM, chúng tôi đề xuất một số chính sách, chủ trương nhằm cho phép tăng hoặc giữ lại nguồn thu ngân sách để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông, đô thị của TP Thủ Đức.
Đơn cử, khi được phân cấp quản lý về thuế, số lượng doanh nghiệp và nguồn thu mà thành phố quản lý sẽ nhiều, khả năng mình được trích giữ lại cũng tăng theo. Ví dụ, vừa rồi TP HCM được Quốc hội cho giữ lại ngân sách từ 18% lên 21%, chắc chắn tỷ lệ thành phố bố trí cho các địa phương cũng tăng lên. Bao giờ cũng thế, khi quản lý hoạt động kinh tế tốt, nguồn thu tăng thì cấp trên sẽ khuyến khích để lại tỷ lệ nhất định.
Ngoài ra, chúng tôi đang kiến nghị thực hiện đề án khai thác hiệu quả kinh tế đất đai trên địa bàn, cho phép bán đấu giá tạo ra nguồn lực tài chính đầu tư, phát triển. TP HCM đã chỉ đạo Thủ Đức phối hợp các sở ngành rà soát lại các quỹ đất có vị trí lợi thế để bổ sung, điều chỉnh công năng sử dụng cũng như các hệ số quy hoạch hiệu quả nhất. Sau đó thành phố bán đấu giá, kêu gọi đầu tư để có vốn phát triển, xây dựng hạ tầng.
Hữu Công