Đây là lần đầu tiên ông Lê Viết Chữ gặp người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, về Nhà máy chất thải rắn sinh hoạt MD. Buổi đối thoại diễn ra 4 tiếng trong sân trường THCS xã Phổ Thạnh, với hàng nghìn người dân tham dự.
Nhà máy xử lý rác này được Công ty MD đầu tư với tổng vốn hơn 50 tỷ đồng, xây dựng cạnh bên bãi rác cũ ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, nơi người dân đã đổ rác hơn mười năm. Tháng 3/2018, nhà máy bắt đầu vận hành, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày trong huyện, và xử lý bãi rác cũ tồn đọng đến 22.500 m3.
Bốn tháng sau, nhà máy bị người dân xã Phổ Thạnh phong tỏa do lo ngại rác ở các nơi khác trong tỉnh tập trung về đây. Họ cho rằng việc đặt nhà máy gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe; có nhiều sai phạm trong lúc thực hiện. Một năm qua, nhà máy buộc phải dừng hoạt động khiến rác thải sinh hoạt không được thu gom, gây ô nhiễm nhiều khu dân cư, cảng cá và bờ biển Sa Huỳnh. Nhiều cuộc đối thoại giữa các cấp chính quyền và người dân đã diễn ra, song chưa tìm được sự đồng thuận.
"Đây là lần đầu tiên tôi gặp đông đủ bà con, những lời tôi phát biểu ở đây là tâm huyết. Tôi trân trọng lắng nghe ý kiến của bà con. Đề nghị bà con trao đổi góp ý nên nhẹ nhàng, dân chủ, thẳng thắn, đúng quy định của pháp luật, có lý có tình để ổn định tình hình", ông Chữ nói.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Nhà máy MD thực hiện công nghệ đốt, công nghệ xử lý rác phổ biến ở Việt Nam, đúng với các tiêu chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư không đúng quy định; chưa thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến; và chưa phù hợp với quy hoạch vì quy hoạch chỉ xử lý ở ba xã nhưng khi hoạt động thì xử lý rác ở cả huyện.
"Tôi đến đây cái nào thực tế thì chuyển đến bà con, mình cùng nhau tìm cách giải quyết chứ không áp đặt gì cả", ông Chữ nói và cho biết các cán bộ sai phạm đã bị xử lý. Cụ thể, tỉnh đã khiển trách Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm với Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng... và nhiều cán bộ cấp sở khác. Ngoài ra, các cán bộ huyện, xã cũng bị kiểm điểm, chuyển công tác.
Nhận trách nhiệm về những sai sót trong quá trình thực hiện dự án MD và chưa giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng của người dân Phổ Thạnh, ông Lê Viết Chữ nói: "Tôi thành thật xin lỗi và mong bà con cùng bàn bạc, thảo luận tìm giải pháp hợp lý đảm bảo môi trường sống trong lành, xã hội ổn định...".
Bí thư Tỉnh ủy sau đó đề nghị người dân cho Nhà máy MD hoạt động đến năm 2022, để giải quyết lượng rác tồn đọng và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày cho ba xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Khánh. Trạm quan trắc tự động sẽ được đặt trong nhà máy, để thu hồi khí thải, kiểm định trả lại kết quả cho người dân. "Đạt chuẩn thì cho làm, không chuẩn thì không cho làm", ông Chữ nói.
Sau đề nghị của ông Chữ, người dân có 14 ý kiến chia làm hai luồng khác nhau. Ông Lê Văn Thương ở thôn La Vân nói, ông rất tâm đắc với ý kiến của Bí thư tỉnh, muốn kêu gọi sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân để xử lý chất thải. "Tôi mong buổi hội thảo này sẽ đi đến nhất trí", ông Thương nói. Nhiều người đồng tình với ông Thương, và cho rằng lãnh đạo đã nhận khuyết điểm, những người sai phạm đã bị xử lý. Nếu không xử lý thì rác cũ tồn đọng sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng, rác thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra mương, biển.
Song, nhiều người khác vẫn la ó, và kiên quyết yêu cầu di dời. Ông Phạm Hoàng cho rằng, sai lầm lớn nhất khi làm nhà máy là không hỏi ý kiến dân. "Tôi mong di dời nhà máy ngay lập tức", ông nói. Một số người yêu cầu di dời bãi rác cũ. Nhiều người lo lắng sức khỏe của mình và con cháu bị ảnh hưởng khi để nhà máy hoạt động.
Ông Lê Viết Chữ cho rằng, không thể di dời bãi rác cũ vì ô nhiễm môi trường hơn nữa, và gợi ý người dân đồng thuận với giải pháp nhà máy chỉ xử lý rác của riêng xã Phổ Thạnh, thay vì ba xã.
Theo ông Chữ, tỉnh đang quy hoạch khu xử lý chất thải ở phía Nam, nhưng ít nhất ba năm nữa mới hoàn thành. Nếu Nhà máy MD không hoạt động thì huyện Đức Phổ không có nhà máy nào khác.
"Xin bà con bình tĩnh. Rác thải đổ ra hàng ngày thì phải có chỗ xử lý. Bà con không nên đặt câu hỏi sao không đặt nhà máy chỗ này mà là chỗ kia. Nếu tất cả xã đều hỏi như vậy thì mình xử lý rác thải ở đâu?", ông Chữ phân tích và cho rằng điều quan trọng là nhà máy phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Kết luận buổi đối thoại, ông Chữ mong muốn người dân đồng thuận với phương án để nhà máy hoạt động thêm ba năm nữa, để xử lý riêng cho xã Phổ Thạnh. Nếu hoạt động, nhà máy phải hoàn thiện hạng mục thu gom, xử lý nước rỉ, hệ thống thu gom tro sỉ; cây xanh.
Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng trạm quan trắc tự động, lấy mẫu kiểm định mỗi ngày. Người dân được cử Tổ đại diện giám sát việc hoạt động của nhà máy và các cơ quan liên quan khi nhà máy vận hành trở lại. "Tôi sẵn sàng ký cam kết nếu bà con đồng ý với giải pháp này. Những bà con chưa đồng tình, tối nay mình về nhà tiếp tục suy nghĩ, làm gì có lợi cho mình và thế hệ mai sau", ông Chữ nói.
Cuối buổi đối thoại, một số người chưa đồng thuận với kết luận, một số người phản ứng vì họ chưa được phát biểu, song chủ tọa cho rằng những ý kiến này trùng lặp với ý kiến trước đó. Tương lai của Nhà máy MD vẫn chưa được chốt.