Sáng 6/11, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP HCM (nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo) đồng tình với nội dung sửa đổi. Theo ông, dự thảo tạo tiền đề tốt để có một nền giáo dục hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, có một điểm ông thấy cần viết rõ hơn bởi liên quan đến quá trình vận hành.
Cụ thể, điều 7 dự thảo luật xác định cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động. Ông cho rằng nên viết rõ "cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước là chủ sở hữu đầu tư, đảm bảo hiệu quả hoạt động". Chữ "chủ sở hữu" rất quan trọng vì chủ sở hữu đề xuất và được chấp nhận lập đại học, là người đầu tư cho đại học phát triển nhưng phải có quyền quyết định nhân sự. Nếu chủ sở hữu mà không quyết định nhân sự thì nhân sự đó sẽ vận hành đại học theo hướng khác.
"Đại học tư thục cũng vậy, là do cá nhân, tổ chức trong hoặc ngoài nước là chủ sở hữu đầu tư và đảm bảo điều kiện. Trong văn bản có đề cập đến yếu tố chủ sở hữu, nhưng không có định nghĩa nên đề nghị lưu tâm", ông nói và cho rằng chủ sở hữu có 4 quyền, bao gồm: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý đơn vị này khi vi phạm pháp luật.
Nguyên Bộ trưởng Giáo dục khẳng định, nếu không làm rõ thì đại học như vô chủ, rất nguy hiểm. "Đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình. Đề nghị có điều chỉnh điều này", ông Nhân nói.
Chủ tịch Hội đồng trường cần có những phẩm chất gì?
Theo dự thảo, Chủ tịch Hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số thành viên theo nguyên tắc đa số. Ông Nhân cho rằng quy trình này hơi ngược. Chủ tịch Hội đồng trường có thể dự kiến 2-3 người và những người này phải được chủ sở hữu đồng ý.
"Hội đồng trường bầu trong số đó, chứ không phải Hội đồng trường bầu xong đưa chủ sở hữu công nhận, vì có thể chủ sở hữu sẽ bảo tôi thấy người này không xứng đáng", ông Nhân nói và dẫn chứng trường hợp một giáo sư người Việt sống ở nước ngoài, làm hiệu phó một trường đại học, sau đó trường bầu làm hiệu trưởng. Tuy nhiên trường bầu xong đưa sang cơ quan quản lý thì bị bác bỏ.
"Đấy chính là quy trình ngược. Lẽ ra danh sách ứng cử viên đó phải được chủ sở hữu đồng ý, còn trường có bầu hay không là chuyện của trường. Tôi đề nghị lưu ý chủ sở hữu phải làm đúng quyền của mình, phải lưu ý trước đối với nhân sự Chủ tịch Hội đồng trường.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (giảng viên Đại học An Giang) ủng hộ quy định tại khoản 4 điều 16 về tiêu chuẩn của Chủ tịch hội đồng trường. Theo đó, ngoài phẩm chất đạo đức, sức khỏe thì Chủ tịch Hội đồng trường cần có kinh nghiệm quản lý giáo dục. Tuy nhiên, đây chỉ nên ưu tiên, không nhất thiết phải là một tiêu chuẩn cứng.
Theo ông Bình, với việc định hướng đặt vai trò của Hội đồng trường giữ quyền hành cao nhất đối với toàn bộ hoạt động của nhà trường và giám sát, điều hành của hiệu trưởng thì cần chú trọng kinh nghiệm quản lý và kinh nghiệm điều hành của Chủ tịch Hội đồng. Nguyên nhân là khi điều hành một trường đại học trong tương lai sẽ như điều hành một công ty, phải đảm bảo các vấn đề lớn về chiến lược cạnh tranh, hiệu quả hoạt động.
Một nhà quản lý giáo dục đại học đơn thuần sẽ rất khó khăn khi ở vai trò Chủ tịch Hội đồng trường nhằm thực thi quyền lực, quyền hành theo quy định của pháp luật. Các trường đại học trên thế giới khi chọn Chủ tịch Hội đồng trường có thể dựa vào uy tín, đạo đức, kinh nghiệm quản lý giáo dục hoặc kinh nghiệm điều hành một đơn vị kinh tế, chính trị, xã hội như công ty, bộ, ngành... Người đó có thể từng là một giám đốc công ty, là một nhà chính trị có uy tín hoặc một nhà quản lý giáo dục đại học, đại biểu Hồ Thanh Bình phân tích.
Việc quy định Chủ tịch Hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ quản lý theo ông Bình cũng cần cân nhắc lại cho phù hợp hơn. Trong điều kiện của Việt Nam, các trường đại học công lập cũng phải quán triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, nếu Chủ tịch Hội đồng trường không giữ các vai trò quan trọng của Đảng thì liệu có phát huy được quyền của Chủ tịch và thực thi quyền hành của hội đồng trường? Nhất là các vấn đề liên quan tới nhân sự, tổ chức tài chính.
"Để tránh Chủ tịch Hội đồng trường rơi vào tình trạng nhiệm vụ bất khả thi, tôi thiết nghĩ dự thảo không cần quy định việc này", ông Bình nói và góp ý thêm, dự thảo cần xem xét quy định thành phần chuyên môn trong Hội đồng trường, vì đây là thành phần cốt cán, bao gồm các hoạt động liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học trong trường đại học.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng băn khoăn với quy định "trường hợp thành viên bên ngoài trường trúng cử Chủ tịch Hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường". "Tôi thấy điều này không cần thiết và rất khó khả thi, nhất là đối với các thành viên ngoài trường đã có vị trí trong xã hội", ông Đạt nói.
Còn đại biểu Đinh Duy Vượt thì đề nghị cần đưa ra những tiêu chí định lượng trong tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường. Ông lấy ví dụ, Chủ tịch hội đồng trường phải là giáo sư, tiến sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc tiến sĩ phù hợp, có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học, ít nhất cũng là 5 năm trở lên.
"Không nên chung chung, định tính như trong dự thảo vì đó là kẽ hở bầu ra Chủ tịch Hội đồng trường không tương xứng và hình thức", ông Vượt nhấn mạnh.