Lô đất nhìn ra biển được chia chác cho các quan chức. Ảnh: Tiền Phong. |
Đó là nội dung báo cáo của TAND thành phố Hải Phòng gửi TAND tối cao để giải trình về việc xét xử vụ tiêu cực đất đai Đồ Sơn. Ngay sau khi toà Hải Phòng tuyên mức án cảnh cáo với ông Vũ Đức Vận (nguyên bí thư Thị ủy Đồ Sơn), Hoàng Anh Hùng (nguyên chủ tịch UBND thị xã) và Lưu Kim Thái (nguyên phó chủ tịch), dư luận đã lên án gay gắt.
Bí thư Thành ủy can thiệp công tác xét xử?
Theo báo cáo của TAND Hải Phòng, đã có sự "can thiệp" của lãnh đạo thành phố vào quá trình xét xử. Do các bị cáo trước khi bị khởi tố đều là cán bộ thuộc diện Thành ủy Hải Phòng quản lý nên theo quy chế, TAND và VKS Hải Phòng đã báo cáo Thường trực Thành ủy.
Tại cuộc họp này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thuận cho rằng, cơ quan tố tụng Hải Phòng cần tôn trọng quyết định của VKSND tối cao đối với ông Chu Minh Tuấn (miễn truy cứu trách nhiệm hình sự). Trong khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, cần xem xét toàn diện và bảo đảm mặt bằng so với các vụ việc tương tự đã giải quyết tại địa phương và trên toàn quốc. Ông Thuận đã đưa ra một minh chứng mang tính gợi ý là "vụ án xảy ra ở lòng hồ Trị An không xử lý hình sự".
Theo cáo trạng, VKSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can Vận, Hùng, Thái tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 1 điều 281 Bộ luật hình sự (cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm). Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng: "Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể xử phạt các bị cáo dưới mức khung hình phạt quy định tại khoản 1, điều 281 Bộ luật hình sự".
Ngày 28/8, bản án Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND Hải Phòng tuyên khá trùng khớp với ý kiến của Thành ủy Hải Phòng. Ba quan chức thị xã Đồ Sơn chỉ nhận mức án cảnh cáo (dưới mức khung hình phạt quy định tại khoản 1, điều 281 Bộ luật hình sự).
Xin miễn tố cho quan chức ngay từ quá trình điều tra
Không chỉ đến giai đoạn xét xử mà ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, lãnh đạo Hải Phòng đã có văn bản xin miễn tố cho các quan chức liên quan đến vụ tiêu cực đất đai Đồ Sơn. Tháng 10/2005, UBND Hải Phòng đã có văn bản gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao, đề nghị miễn xử lý hình sự ông Chu Minh Tuấn. Lý do được đưa ra: ông Tuấn có thành tích trong quá trình công tác và sức khoẻ không đảm bảo.
Tháng 3/2006, UBND Hải Phòng gửi tiếp văn bản tới VKSND tối cao đề nghị miễn truy tố cho ông Chu Minh Tuấn và Hoàng Anh Hùng (Chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn đã bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ). Lý do miễn truy tố là chưa xảy ra hậu quả về kinh tế, cá nhân sai phạm đã được xử lý hành chính kịp thời, bộ máy đã được kiện toàn.
Ông Mai Anh Thông, Vụ phó Vụ I, người được VKSND tối cao phân công trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án thừa nhận, đã chịu ảnh hưởng bởi các công văn xin miễn giảm của UBND thành phố Hải Phòng, trong việc đưa ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Tuấn. Ngày 8/5 (một ngày trước khi ra cáo trạng) VKSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án với ông Chu Minh Tuấn.
Tại cuộc họp ngày 5/9, ba cơ quan nội chính (VKS, TAND tối cao, Bộ Công an) thống nhất nhận định, việc lãnh đạo Hải Phòng có văn bản gửi TAND thành phố can thiệp vào quá trình xét xử là không đúng quy định.
Chánh văn phòng VKSND tối cao Quách Anh Sùng: Ngày 6/9, lãnh đạo VKS đã yêu cầu làm văn bản kháng nghị lại bản án do TAND Hải Phòng tuyên ngày 28/8. Theo tôi, những người giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử trên thực hiện đúng chức trách, đã đề nghị mức án tương xứng với sai phạm. Tuy nhiên, TAND Hải Phòng vẫn đưa ra mức án rất nhẹ đối với các bị cáo. Sau đó, đại diện cơ quan công tố đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo VKSND tối cao. Chánh văn phòng TAND tối cao Nguyễn Quang Lộc: Lãnh đạo TAND tối cao đã quyết định, ngay khi nhận được kháng nghị sẽ yêu cầu TAND Hải Phòng chuyển hồ sơ vụ án để toà phúc thẩm xét xử ngay. Cá nhân tôi cho rằng bản án sơ thẩm không thuyết phục, mức án còn nhẹ. Vai trò độc lập của toà án đôi khi chưa được độc lập. Đối với những cán bộ tham gia xét xử sơ thẩm, việc xác định có sai phạm hay không phải chờ kết quả phiên phúc thẩm. Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực mới có căn cứ pháp lý để xử lý. |
Quốc Hưng