Ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) khảo sát thực trạng và lắng nghe ý kiến của người dân. Trên đường làng, nhiều người dân cầm đơn đứng chờ đoàn công tác, mong muốn bày tỏ ý kiến với người đứng đầu thành phố.
Chị Giang Tú Oanh có nhà bị đình chỉ xây dựng cho biết, năm 2005 dân làng vui sướng khi Đường Lâm được công nhận di tích song niềm vui đã bị dập tắt bởi quy chế làng cổ. Vì quy chế mà 90 cháu nhỏ phải học trong một phòng chật chội, người dân xây nhà thì bị cưỡng chế.
“Chúng tôi xin giấy phép nhiều nơi mà không được, nếu làm nhà cổ thì không có tiền, người dân làm nông nghiệp chỉ làm được nhà thường. Chúng tôi muốn gặp Bí thư để nói hết bức xúc, nỗi khổ đang chịu”, chị Oanh bày tỏ.
Sau khi khảo sát, Bí thư Thành ủy đã làm việc với các đại diện ban ngành Hà Nội và lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về hướng bảo tồn làng cổ, giải quyết khó khăn cho người dân Đường Lâm.
Ông Đặng Vũ Nhật Thăng (Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây) thừa nhận thời gian qua, địa phương chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển di tích, xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng, chưa phát huy được tiềm năng về giá trị của di tích. Đại đa số người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị di tích. Chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ giãn dân, sửa chữa nhà ở, thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ.
Ông Thăng cho rằng, nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót này là công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thị xã và xã Đường Lâm thiếu tập trung, chưa quyết liệt. Việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tỉnh Hà Tây trước đây và Thành phố Hà Nội hiện nay chưa kịp thời.
Ông Nghị ví làng cổ Đường Lâm là viên ngọc quý. |
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phạm Quang Long cũng cho rằng, khuyết điểm của Sở là chưa làm được gì để làng cổ Đường Lâm phát huy giá trị. Làng Mông Phụ - khu vực bảo vệ nguyên trạng - với hơn 1.600 nhân khẩu có nhu cầu bức thiết về nhà ở mà chính quyền chưa giải quyết được. Việc phản ánh của người dân Đường Lâm là chính đáng, cần phải có điều chỉnh cho thích hợp.
Tiến sĩ Đặng Văn Bài (Phó chủ tịch hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, không thể nhân danh bảo tồn mà để người dân sống khổ. Thành phố cần nhanh chóng phê duyệt quy hoạch tổng thể, sau quy hoạch tổng thể bước ngay vào quy hoạch chi tiết, nên có khu giãn dân.
“Tôi rất chia sẻ với người dân về những bức xúc hiện nay. Đề nghị thành phố có cơ chế đặc thù đối với Đường Lâm, ở Việt Nam chỉ có một làng, còn ở thế giới chỉ có 5 làng cổ”, bà Đặng Thị Bích Liên (Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) nói và đề nghị Hà Nội khẩn trương phê duyệt quy hoạch tổng thể.
Theo bà, bài học vừa qua là công tác quản lý ở địa phương, trong đó có cả Cục di sản chưa tham mưu một cách triệt để. Bộ Văn hóa sẽ rút kinh nghiệm các vụ, cục có liên quan.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chia sẻ với người dân Đường Lâm khi không được làm theo ý mình mà phải làm theo quy định. “Tôi xin thay mặt cho cơ quan quản lý các cấp xin lỗi về việc giải quyết chậm bức xúc của người dân”, ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Chính quyền sẽ tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc cấp phép xây dựng, từ kiểu dáng nhà ở đến thủ tục. “Nhà đặc biệt phải được hỗ trợ 100%, song chờ đến lúc có kinh phí thì người dân không chờ nổi. Từng làm bộ trưởng tôi biết, xin kinh phí trung ương có khi còn khó hơn xin thành phố. Nên chăng ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm các nhà cổ thì khó khăn của người dân sẽ bớt đi”, ông Nghị bày tỏ.
Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, trong xử lý nhà sai phép phải tránh nể nang, những nhà vi phạm cho đến hôm nay thì cái nào cho để hoặc phải xử lý thì phải rà soát cụ thể. Ông cũng yêu cầu nguồn thu bán vé di tích cần công khai minh bạch.
Đoàn Loan