Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 5/6, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, thành phố chưa có quyết định chính thức đối với hai vấn đề, gồm di dời 1.300 cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng và Sở Xây dựng lấy ý kiến thay thế toàn bộ xà cừ trên địa bàn Thủ đô.
Với việc di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để thi công vành đai 3, ông Hải nói, tuyến giao thông đó không chỉ có đường bộ mà cả đường trên cao nối đến tận cầu Thăng Long.
“Có ý kiến giữ lại hàng cây. Ai cũng muốn giữ nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi. Thành phố sẽ bàn với Bộ Giao thông và đang tổ chức lấy ý kiến xem có phương án gì khác không.Tôi đã chỉ đạo sau khi lấy ý kiến nhân dân thì phải trả lời rõ ràng”, ông Hải nói.
Bí thư Hà Nội cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng đều tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước và khi làm phương án giải phóng mặt bằng thì tiến hành lấy ý kiến người dân. Ông bày tỏ quan điểm “chặt cây đi ai cũng tiếc, mình đang trồng chả được”, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm, “chẳng lẽ dừng lại không làm gì”.
Việc Sở Xây dựng thành phố lấy ý kiến thay thế toàn bộ cây xà cừ, ông Hải nói "đây không phải vấn đề đơn giản". Sở tổ chức hội thảo để lấy ý kiến xem cây xà cừ có phù hợp với đô thị không, để sau này trồng mới sẽ không sử dụng loại cây này nữa.
“Cây trồng rồi, to đùng thì cứ để đấy cần gì phải thay. Còn trừ khi các dự án đầu tư phát triển không làm cách gì tránh được mới phải di dời. Giữ một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế”, ông Hải nói.
Theo lãnh đạo Hà Nội, “nếu chứng minh được việc di dời cây xanh là cần thiết và bắt buộc, thì phải tổ chức đánh chuyển đảm bảo cây sống sau khi di dời với tỷ lệ cao nhất”.
Cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài, trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Tổng số cây trồng khoảng 50.000, với các loại chủ yếu như: xà cừ, muồng, bằng lăng, phượng, sấu... Thống kê chưa đầy đủ, hiện Hà Nội có hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi (các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa thống kê), được trồng ở đường phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng, Trần Thánh Tông, Yên Phụ... Năm 2015, thành phố thực hiện đề án thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố. Tuy nhiên, việc chặt hạ thay thế cây gặp phản ứng của nhiều người dân. Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu tạm dừng thực hiện đề án để thanh kiểm tra. Kết quả thanh tra chỉ ra nhiều sai sót, những cá nhân tổ chức liên quan đã bị kỷ luật. |
Võ Hải