Sáng 17/4, tại cuộc làm việc với Quận ủy Cẩm Lệ, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã dành nhiều thời gian chia sẻ về công tác xây dựng Đảng.
Ông Nghĩa cho rằng, để đoàn kết nội bộ thì giữa Ban thường vụ, HĐND, UBND các cấp phải rõ vai trò, nhiệm vụ của mình; mỗi người một việc nhưng không thể đứng ngoài các vấn đề chung trên địa bàn.
Theo ông, mỗi cán bộ, công chức cần phải bỏ tư duy "mình còn làm một hai năm nữa là về hưu, rồi tặc lưỡi đồng ý cấp phép dự án để lấy được chút tăng trưởng, tranh thủ nhận biếu xén".
Bí thư Đà Nẵng cũng thẳng thắn đặt câu hỏi với lãnh đạo quận Cẩm Lệ và các Sở, ngành tham dự buổi làm việc: "Có lúc nào chúng ta thử kiểm tra lại xem, trong hệ thống công quyền có bao nhiêu người nhà của bí thư, chủ tịch, ủy viên thường trực không?".
Cho hay mình nhận được phản ánh huyện Cẩm Lệ và huyện Hoà Vang là hai nơi "hơi phức tạp" về chuyện người nhà lãnh đạo làm việc trong hệ thống, ông Nghĩa nói tình trạng này nếu có sẽ dẫn đến câu chuyện khó làm việc, "cán bộ có làm sai cũng không nói được, vì đó là con ông chú, là em mình", nhắc nhở hay kiểm điểm đều vướng cả.
Bí thư Đà Nẵng yêu cầu: "Đã là chủ tịch, bí thư quận, huyện thì không thể có người nhà ở vị trí nào khác nữa. Những điều này sẽ dẫn đến mất đoàn kết, nhòm ngó nhau vì công tác cán bộ lúc nào cũng mặc cả con anh, con tôi, cháu anh, cháu tôi".
"Trách nhiệm của phường, quận làm chưa hết"
Từng là Bí thư quận Cẩm Lệ, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị chính quyền sở tại phải "dân vận khéo". Từ việc trên địa bàn đang tồn tại nhiều vụ khiếu kiện kéo dài của người dân làng Cồn Dầu và Trung Lương, ông Minh nói cán bộ địa phương cần tăng cường đối thoại, vận động người dân, để không phải "đi hầu tòa cả ngày".
Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, qua việc khiến kiện của người dân ở Cẩm Lệ, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số những người dân bị ảnh hưởng của dự án đã đồng lòng của chủ trương chung, nhưng cũng cho thấy hạn chế của công tác dân vận.
"Tôi có cảm giác trách nhiệm của phường, quận làm chưa hết. Cứ nghe ý kiến của dân là tập hợp rồi lại đi kiến nghị thành phố. Việc thực hiện dự án tại nơi người dân có khiếu kiện là nghiêm túc, đúng luật. Thành phố đã hỗ trợ bà con tối đa rồi nên phải tuyên truyền cho người dân hiểu", ông Nghĩa nói.
Tâm lý ngại làm việc vì sợ trách nhiệm
Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết, thành phố hiện có 214 dự án chậm triển khai; nhiều nơi người dân phải sống trong cảnh ngập úng. "Chính quyền thành phố đã phân cấp, phân quyền rồi nhưng khi giải tỏa mặt bằng cho dự án thì vẫn chậm", ông nói.
Trước tình trạng trên, ông Trương Quang Nghĩa đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường "phải tự tin làm việc và có trách nhiệm khi đưa ra các quyết định". Qua đó, tránh tình trạng chậm trễ trong thủ tục hành chính vì "sợ trách nhiệm".
Bí thư Đà Nẵng nêu rõ, đây là lúc HĐND thành phố cần đánh giá lại năng lực của các cán bộ được cơ quan dân cử bầu và phê chuẩn. "Ông nào gây ra vướng mắc thì gạt sang một bên để người khác làm. Những dự án không bị thanh tra thì phải giải quyết nhanh", ông Nghĩa nhấn mạnh.