Thông tin được ông Dương Văn Thái nói tại cuộc họp Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ở đầu cầu Hà Nội, sáng 29/5.
Theo ông Thái, đây là kinh nghiệm trong công tác chống dịch tại Bắc Giang - nơi đang là điểm nóng nhất nước với 1.881 ca Covid-19, chiếm một nửa số ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư của cả nước và dự báo số ca tiếp tục tăng.
"Quyết định dừng 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn, nhiều doanh nghiệp phản đối vì cho rằng công ty chưa có ca bệnh. Nhưng để đảm bao an toàn, tỉnh quyết cho tạm dừng", ông Thái nói và cho rằng bài học rút ra trước khi dừng khu công nghiệp phải phong toả các khu nhà trọ, lưu trú giữ chân công nhân.
"Không phong toả mà dừng sản xuất, công nhân sẽ trở về các địa phương", ông Thái nói và cho biết trong tổng số ca nhiễm ở Bắc Giang có trên 60% là công nhân đến từ các địa phương khác.
Cũng theo người đứng đầu Tỉnh uỷ Bắc Giang, với hơn 1.881 ca nhiễm, ngành y tế đã ghi nhận hơn 15.000 ca F1, 64.000 ca F2. Số này đều đang tập trung ở các không công nghiệp, khu nhà trọ công nhân đã được phong toả nên không có nguy cơ lây ra cộng đồng. "Hai trong ba ổ dịch lớn đã cơ bản kiểm soát, riêng ổ dịch tại Công ty Hosiden còn phức tạp", ông Thái nói.
Tính đến nay, Bắc Giang đã giãn cách 8/10 huyện và thành phố theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng. Một số địa phương nguy cơ lớn nâng hơn mức Chỉ thị 16. Với năng lực mỗi ngày lấy 20.000 mẫu xét nghiệm, đến nay địa phương đã lấy được 750.000 mẫu. Tỉnh có 282 khu vực cách ly công suất 24.000 người; hiện đã sử dụng 174 khu với hơn 15.000 người.
Ông Thái cho biết ngay sau khi tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, tỉnh đã rà soát và thành lập 35 tổ công tác đánh giá để xem xét cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại. Theo đó, có 34 doanh nghiệp ít nguy cơ; 151 nguy cơ thấp, 40 nguy cơ trung bình, 6 doanh nghiệp nguy cơ rất cao.
"Tỉnh đang hướng dẫn thủ tục cho các doanh nghiệp đảm bảo được an toàn hoạt động lại. Hôm qua có 2 doanh nghiệp với 2.500 công nhân làm việc trở lại, ngày mai thêm 2 doanh nghiệp nữa. Tỉnh đang xem xét nhất là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu như Samsung, Honda, Toyota...", ông Thái nói.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng cho biết đối với các doanh nghiệp sản xuất điện tử làm việc trong môi trường khép kín, tỉnh phải hướng dẫn chia nhỏ các khu sản xuất từ 1.000 công nhân phải chia nhỏ thành các nhóm nhỏ 50, 100 người. Những nhóm nhỏ sẽ sản xuất cùng nhau, ở cùng khu trọ và di chuyển cùng xe để phòng chống dịch lây lan.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng dịch lây lan tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ. "Tỉnh sẽ kiểm soát được dịch nhưng không thể trong thời gian ngắn", ông Long nói và đề nghị Bắc Giang chủ động, xây dựng phương án ứng phó tình huống có 5.000 ca nhiễm.
Theo Bộ Y tế tính đến 6h ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.164 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh. Trong đó, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.594 ca ghi nhận trong nước và 211 trường hợp nhập cảnh. Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
25 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận 3.578 ca mắc từ ngày 27/4 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Hữu Công