Người bệnh sau tai nạn cần kiên trì vận động để tránh cơ bị teo. Ảnh minh họa: T.Thịnh. |
Cách đây không lâu chị Thúy bị ngã xe máy, rạn xương bàn chân và giãn dây chằng ở cổ chân trái. Lúc đó chị thấy dù sao vẫn còn may vì không bị gãy xương, chỉ là một tai nạn nhỏ nên không cần quá lo lắng. Chị cũng đi khám, bó chân, cố định bằng lá thuốc và băng chun.
Trong suốt hơn 2 tuần sau đó, lúc nào đi lại chị cũng rất khẽ khàng bằng cái chân lành, tránh va chạm với bên chân bị đau một phần vì sợ đau, một phần sợ xương bị rạn hơn nếu vận động mạnh. Thế nhưng đến ngày thứ 20, đến lúc bắt đầu có thể tập đi thì chị thấy rất khó khăn để đi lại bình thường, quan sát lại thấy chân đau nhỏ hơn so với chân lành.
Hốt hoảng đi khám, chị được biết mình bị teo cơ tạm thời. Đây là một điều bình thường vì sau một thời gian không vận động chân sẽ bị teo, chỉ cần tập đi lại thì tình trạng này sẽ cải thiện. Dù thế, đến nay đã hơn 4 tháng, chị vẫn đi kiểu chân thấp chân cao, chân bị đau vẫn nhỏ hơn chân còn lại.
"Bác sĩ nói tôi phải luyện tập phục hồi chức năng ít nhất 3 tháng nữa thì mới có thể đi lại được bình thường. Cứ nghĩ chỉ bị rạn xương thông thường thì vết thương sẽ chóng lành. Ai dè...", chị Thúy nói.
Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Xuân Đạm, nguyên trưởng khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, những chấn thương như trẹo chân, bong gân, gãy hoặc rạn xương... là những tai nạn thường gặp. Tuy nhiên, vì đây chỉ là những chấn thương nhẹ nên giống như chị Thúy, nhiều người tỏ ra chủ quan mà không biết rằng mình có thể bị teo cơ.
Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo cơ. Tuy nhiên cần lưu ý, cơ bị nhỏ đi không có nghĩa là sợi cơ bị hủy, mà là số lượng sợi cơ không thay đổi nhưng chất lượng sợi cơ giảm, Phó giáo sư Đạm cho biết.
Cũng theo ông, khi bị bó bột, người bệnh thường sợ đau nên không dám vận động hoặc không nghĩ đến việc hồi phục chức năng, khiến cho tay (chân) nhỏ đi. Vì thế, việc phục hồi chức năng sau chấn thương rất khó khăn và mất thời gian.
"Việc cố định, bất động chỗ bị thương càng lâu thì nguy cơ bị teo cơ càng lớn. Trong khi thực tế, dù xương bị gãy đang bó bột thì sau khoảng một tuần đã nên vận động nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng", phó giáo sư Đạm nói.
Phó giáo sư Đạm cũng cho biết, chỉ sau 2 tuần không vận động, hiện tượng teo cơ đã bắt đầu diễn ra. Khi đã bị teo cơ thì người bệnh nên đi khám sớm. Nếu dây thần kinh cơ không bị ảnh hưởng thì người bệnh chỉ cần tập theo hướng dẫn của bác sĩ. Chẳng hạn với người bị teo cơ cẳng chân thì nên tập đi bằng đầu ngón chân và gót chân, kết hợp tập tạ chân cho máu lưu thông.
Các chuyên gia khuyến cáo, để không dẫn đến teo cơ, khi bị chấn thương người bệnh nên xoa bóp cho máu về cơ nhiều hoặc chườm nóng, ngâm nước nóng ấm để mạch máu trong cơ giãn, giúp cơ mềm ra. Khi cơ mềm thì sẽ vận động được dễ dàng hơn. Cách tốt nhất để phòng teo cơ vẫn là bắt cơ vận động và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Những trường hợp bị bong gân, giãn dây chằng, gãy xương... nên vận động sớm khi có thể. Khi bị chấn thương cần cố định, bệnh nhân vẫn có thể co cơ tĩnh bằng cách lên gân một ngày nhiều lần. Khi có điều kiện thì co cơ sớm bằng vận động và tăng dần vận động lên.
Người bệnh cần phải kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, như thế mới hạn chế teo cơ, khôi phục khả năng vận động sớm. Ngoài ra, việc vận động chỗ bị thương còn tránh nguy cơ bị loét, tắc mạch chi... do tỳ đè lâu ngày. Tuy nhiên, việc vận động như thế nào, khi nào bắt đầu vận động nhất thiết phải có sự hướng dẫn của bác sĩ phục hồi chức năng.
Hải Phong