Màu tía là một trong những màu nhuộm cổ nhất của con người. Được lấy từ sò murex, nó trở thành màu biểu trưng quyền lực của các hoàng đế La Mã từ sau Nero. Tuy nhiên bí quyết tạo ra màu này đã thất truyền từ năm 1453.
John Edmonds, một kỹ sư về hưu đã tìm ra bí quyết này khi nghiên cứu quá trình lên men của chất nhuộm chàm trong cây tùng lam. "Tôi cho rằng phẩm nhuộm tía hoàng đế cũng có quá trình lên men như chàm", Edmonds nói. Ông đã thử nghiệm bằng cách dùng những con sò nhỏ có họ hàng gần gũi với sò murex và làm lên men chất nhuộm tía trong một bình nước trộn tro gỗ. Những con sò này có chứa vi khuẩn quan trọng trong việc khử thuốc nhuộm. Hỗn hợp được giữ ở nhiệt độ 50 độ C trong 10 ngày. Len nhúng vào phẩm nhuộm chuyển thành màu xanh nhạt, nhưng khi tiếp xúc với ánh sáng thì chuyển thành tía.
Việc tái tạo phương pháp nhuộm cổ truyền có một ứng dụng quan trọng trong hoạt động ngày nay. Hiện hàng tấn hoá chất dùng để khử chất nhuộm cho quần bò đã thải ra lượng lưu huỳnh lớn. Việc sử dụng vi khuẩn thay thế hoá chất có thể giúp phát triển một công nghệ nhuộm sạch trong tương lai.
Minh Thi (theo BBC, Telegraph)