Thứ bảy, 4/5/2024
Thứ tư, 7/11/2018, 09:18 (GMT+7)

Bí quyết nghề đan thuyền thúng câu mực ở Quảng Nam

Thời gian làm mỗi chiếc thuyền thúng là 12 ngày và trải qua nhiều công đoạn từ chọn cây tre tốt đến chống mối mọt và quét dầu, phơi nắng.

Thuyền thúng rộng hơn 5 m2, làm bằng tre là phương tiện mà ngư dân miền Trung thường sử dụng câu mực trên biển. Nhìn ngoài có hình thức đơn giản nhưng thuyền thúng có thể chịu đựng được nước biển để phục vụ ra khơi từ 3 đến 5 năm.

Xã miền biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng với nghề đan thuyền thúng và hiện có hơn 10 hộ dân theo nghề này.

Để tạo ra những chiếc thuyền thúng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt vùng biển, người thợ chọn những cây tre thẳng, không bị sâu đục. “Đan một chiếc thuyền thúng cần khoảng 25 cây tre, giá mỗi cây 50.000 đồng và chúng tôi phải mua từ nơi khác vì vùng biển đất cát không trồng được tre tốt”, ông Trần Trung (xã Bình Minh) nói.

Người thợ phân tre thành từng khúc rồi chẻ ra lấy phần cật ở bên ngoài.

Bằng đôi tay kheo léo và con rựa sắc bén, những thợ đan thúng vót nan tre sao cho thẳng đều.

Tiếp xúc với tre thường xuyên nên đôi tay của những người thợ chai sạn. “Trong lúc làm việc bị tre cắt da chảy máu, dằm đâm là chuyện bình thường”, ông Trung chia sẻ.

Để đan một chiếc thuyền thúng cần đến 600 nan tre, mỗi nan được vót đều và đảm bảo mềm ở ngoài, cứng dần vào bên trong.

Người thợ dùng thuốc trừ sâu quét vào vành thúng để chống mối mọt.

Công đoạn tạo khuôn thuyền thúng với các cọc gỗ đóng thành hình tròn.

Người thợ dùng thiết bị tạo lực ép vành thuyền, sau đó lấy dây cước buộc chặt vành và phần nan tre.

Để chống nước ngấm qua nan thuyền, người thợ dùng phân bò bịt kín các lỗ rồi đem phơi nắng, khi lớp này khô sẽ tiếp tục quét thêm một lớp khác.

Khi phân bò khô, dầu rái – một nguyên liệu chống nước được quét lên trên. “Công đoạn này thực hiện 4 lần dưới nắng nóng 4 ngày”, ông Đinh Văn Hòa (xã Bình Minh) nói và cho hay "đây là bí quyết rất quan trọng để đảm bảo sự bền chắc của chiếc thuyền".

Các công đoạn làm mỗi chiếc thuyền trải qua khoảng 12 ngày, khi hoàn thành thuyền được bán với giá 9 triệu đồng, trừ nguyên liệu người thợ thu về 6 triệu đồng.

Mùa câu mực kết thúc, ngư dân mang thuyền thúng lên bờ cất. “Mỗi năm đưa lên bờ thuyền được quét thêm một lớp dầu rái để bảo vệ”, ông Trần Văn Minh cho hay.

Đắc Thành