Những miếng thạch mềm, sần sật, mát lạnh, với đủ hình hoa lá con vật ngộ nghĩnh... màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon từ trái cây, không chỉ hấp dẫn trẻ em mà còn là món ngon với bất cứ ai trong những ngày hè oi nóng.
Các loại thạch (rau câu)
Rau câu bột jelly và rau câu dẻo agar có sự khác nhau. Agar là một dạng rau câu có độ đông đặc mạnh nhất nhưng bở nhất. Rau câu bột jelly hay còn gọi là rau câu giòn, khi nấu, thành phẩm sẽ có độ giòn, ăn có cảm giác sần sật. Loại rau câu này nấu sẽ thường cho màu sắc trong suốt rất đẹp. Rau câu dẻo có độ dẻo và người ta thường dùng loại này để nấu với các loại nước cốt trái cây chứ không pha sữa, cà phê, lá dứa hay sô côla… như rau câu giòn.
Khi nấu rau câu dừa, bạn có thể dùng cả rau câu giòn và rau câu dẻo tùy vào sở thích của mỗi người. Thông thường, làm rau câu, với cả hai loại, người ta bớt đi khoảng 1/3 lượng nước ghi trên bao bì ứng với khối lượng bột. Khi nấu rau câu dừa, định lượng này nên giữ nguyên. Lý do là rau câu dừa khi nấu xong cần có độ mềm ăn mới ngon và có thể cảm nhận được mùi nước dừa. Cách nấu rau câu dừa với hai loại bột này hoàn toàn giống nhau, chỉ có điều, thành phẩm sau cùng có thể khác nhau một chút ở độ giòn.
Cách nấu thạch:
Bước 1: Trộn đều bột thạch (loại không đường) với đường. Đun nước sôi, đổ hỗn hợp bột thạch vào, vừa đổ vừa khuấy đều cho tan đường và bột. Khoảng 5 phút sôi là bột chín, nước thạch chuyển màu trong, bạn cho thêm chút nước cốt chanh hoặc chút rượu trắng cho thạch hết tanh và trong hơn.
Bước 2: Chuẩn bị màu để pha với nước thạch... bằng các loại quả tươi xay nhuyễn.
- Màu vàng: Xoài, nước cốt dứa, nước cam (hoặc chanh leo bỏ hạt và cho thêm chút đường).
- Màu đỏ: Dưa hấu, nước hoa atiso, dâu tây hoặc củ dền.
- Màu hồng: Dưa hấu, nước hoa atiso hoặc củ dền pha với sữa dừa.
- Màu nâu: Ca cao hoặc cà phê hòa tan.
- Màu trắng: Nước cốt dừa hoặc sữa, thanh long ruột trắng.
- Màu tím: Lá cẩm, thanh long ruột đỏ...
- Màu cam: Đủ đủ chín, cà rốt...
- Màu xanh lá cây: Lá nếp rửa sạch thái nhỏ cho nước lọc và sau đó xay nhuyễn rồi lọc lấy nước. Lá rau ngót giã cũng có màu rất đẹp hay có bột trà xanh hòa với chút nước ấm cho vào cũng có mầu xanh.
Đây chỉ là một số màu cơ bản của các loại quả tươi có sẵn, bạn có thể biến tấu theo ý thích.
Bước 3: Pha thạch nấu với màu đã chuẩn bị sẵn (tỷ lệ nước màu đậm đặc khoảng 100-200 ml). Khi thạch sôi thì cho nước màu vào khuấy đều, tùy theo ý thích muốn đậm hay nhạt và cho nhiều hay ít.
Bước 4: Đổ thạch vào khuôn và chờ đông rồi cho vào tủ lạnh khoảng 2-3 tiếng là có thể thưởng thức. Bạn có thể dùng nhân caramen thêm hấp dẫn. Làm caramen trước, sau đó múc một lớp thạch mỏng đổ vào khuôn, thêm phần caramen vừa cỡ khuôn, múc lớp thạch khác đổ lên, chờ nguội thạch sẽ đông thành hình đẹp mắt.
Lưu ý: Trước khi đổ bột thạch vào nước, phải trộn bột thạch với đường, không cho riêng bột thạch vào nước vì như thế bột sẽ bị vón. Khi bột vón cục và đun có nhiều bọt, bạn không nên quá lo lắng mà chỉ cần vặn nhỏ lửa, cho thêm một bát nước trắng và đun cho thạch tan hết, tuyệt đối không vớt bọt và lọc nhé. Bạn cứ đun sôi lâu một chút là bột thạch tự tan.
Lê Hồng Thu