Hãy cùng tham khảo chia sẻ của một số “vợ chồng Ngâu” về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình dưới đây:
1. Lên danh sách nguyên nhân vì sao hai bạn chọn sống xa nhau
Jacey Eckhart đến từ Virginia (Mỹ) chia sẻ, trong mấy tháng đầu sau khi kết hôn với chồng là sĩ quan hải quân, cô thường xuyên phàn nàn về tình cảnh của mình. Tuy nhiên, cô dần nhận ra điều đó không hề giúp cô cải thiện tình hình. Và để thay đổi, cô đã liệt kê ra giấy tất cả lý do khiến hai vợ chồng lựa chọn sống cách xa, ví dụ để tiện cho việc học hành của con cái, hay để cô đỡ phải thay đổi công việc, hay để chồng có thể hoàn thành công việc tốt hơn…
“Bất kỳ khi nào thấy mệt mỏi vì xa cách, chúng tôi đọc lại danh sách đó và tự nhắc mình đôi khi người lớn phải đưa ra quyết định khó khăn vì hạnh phúc gia đình”, Jacey Eckhart chia sẻ. Viết ra những cái được của quyết định khó khăn mà bạn và bạn đời lựa chọn sẽ giúp bạn có một lời nhắc nhở kịp thời và hữu ích khi cần.
2. Không so đo ai hy sinh vì gia đình nhiều hơn
Sau khi viết cho chồng bức thư dài mấy trang, Elizabeth Ann West đến từ Connecticut (Mỹ) thấy vô cùng tức giận khi chỉ nhận được vài dòng hồi âm ngắn ngủi. Cô luôn tự hỏi, bản thân lúc nào cũng bận rộn với việc chăm sóc con cái và gia đình vậy tại sao chồng không dành cho gia đình nhiều tâm sức giống như cô. Tuy nhiên, thực tế thì chồng cô, Joshua West, một sĩ quan hải quân thường phải đi khắp thế giới, không có thời gian để viết bức thư dài hơn khi anh đang ở trên tàu.
"Nếu bạn đang suy nghĩ rằng bạn ở hoàn cảnh khó khăn và phải làm nhiều việc hơn so với chồng thì hãy dừng lại, nghĩ xem chồng mình đã làm gì cho gia đình", Elizabeth sau khi đã suy nghĩ chín chắn và rút ra bài học riêng cho mình, chia sẻ. Bằng cách đó, bạn sẽ thoát khỏi cảm giác oán giận lúc nào cũng canh cánh trong lòng.
3. Lựa chọn thời điểm tốt nhất để nói chuyện
“Chồng tôi và tôi không bao giờ gọi điện cho nhau trong khoảng thời gian từ 17h chiều đến 19h tối. Thời điểm đó, anh ấy thường rất bận rộn với công việc trên tàu”, Jacey thừa nhận. Vợ chồng cô nhận ra chỉ có thể trò chuyện tốt nhất vào buổi sáng và tối muộn cho nên thường gọi cho nhau vào lúc đó. Còn những thời điểm khác họ chỉ nhắn tin ngắn gọn.
Vì thế, nếu ông xã của bạn thường có tâm trạng không tốt vào buổi sáng, hoặc bản thân thường quá mệt mỏi sau một ngày làm việc thì hãy dành những khoảng thời gian đó cho riêng mình, ví dụ tắm hay tập thể dục. Cả hai có thể liên lạc với nhau khi tâm trạng tốt hơn.
4. Thay đổi cách thể hiện tình yêu
Giống như các vợ chồng sống xa nhau, Elizabeth thường thể hiện sự quan tâm bằng cách viết cho chồng một bức thư vào mỗi sáng khi anh đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau khoảng 6 tháng, những lá thư không còn nồng nàn cảm xúc yêu thương nữa. Tương tự như thế, những cử chỉ yêu thương bị lạm dụng quá nhiều cũng mất dần ý nghĩa đối với vợ chồng hàng ngày ở bên nhau.
Chính vì thế, thi thoảng hãy thay đổi cách thể hiện tình yêu của bạn. Hãy thử viết lời nhắn yêu thương lên tấm gương trong phòng tắm; hay làm bạn đời ngạc nhiên với một bữa ăn đúng khẩu vị của anh ấy; hay làm giống như Elizabeth là gửi cho chồng tấm thiệp với một mặt là tin nhắn cá nhân còn một mặt kia là những câu trích dẫn có tác dụng khuyến khích hay tạo cảm hứng.
5. Lên kế hoạch cho một ngày bên nhau
Việc lên kế hoạch cho các hoạt động thú vị để cả hai có thể làm với nhau, đặc biệt là khi thời gian của bạn không có nhiều, là một điều rất hấp dẫn. Tuy nhiên, Linda Hartley đến từ New South Wales (Australia) và chồng cô, Stephen Hartley, người phải làm xa nhà 4 tiếng đi lại, thường sử dụng ngày nghỉ cuối tuần để làm rất ít việc. Ngoài việc tham gia sự kiện thể thao của các con, họ hầu như dành thời gian để thư giãn, điều đó giúp họ tận hưởng khoảnh khắc bên nhau trọn vẹn hơn. Vì thế, nếu bạn cảm thấy quá tải với những bữa tiệc tùng khi mà cuộc sống của bạn vốn đã lộn xộn thì hãy lên kế hoạch cho một ngày chỉ ở bên ông xã.
6. Sẵn sàng nhờ đến sự hỗ trợ bên ngoài nếu cần thiết
Bạn không phải là người đầu tiên phải đối mặt với các vấn đề khó khăn trong hôn nhân. Nếu bạn đang gặp rắc rối cần giải quyết thì hãy tìm sự giúp đỡ từ những người khác. Hãy nhờ tới sự giúp đỡ của phụ nữ có kinh nghiệm và từng trải qua hoàn cảnh giống bạn bởi vì thực sự sẽ vô cùng khó khăn khi bạn sống xa chồng mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào khác. Ngoài ra bạn cũng có thể xin ý kiến của chuyên gia về hôn nhân. Dù là bạn đang phải đối mặt với những vấn đề về tài chính hay sự không chung thủy thì họ đều có thể giúp bạn đủ sáng suốt để vượt qua giai đoạn khó khăn của mình.
7. Không cố gắng đọc suy nghĩ của nhau
Không có ngôn ngữ cơ thể và sắc thái giọng nói khi trò chuyện nên bạn đời (chỉ thông qua tin nhắn, emails…) khó có thể hiểu bạn đang nghĩ gì. Và nếu một hồi âm không đến nhanh như bạn muốn thì bạn rất dễ giả định rằng bạn đời đang tức giận. Melissa Anderson và chồng là Justin Anderson (Mỹ) đã thống nhất cả hai phải trò chuyện rõ ràng và không đưa ra các giả định hay phỏng đoán nếu không có thông tin tổng thể. Kể cả khi vợ chồng ở gần nhau thì điều cần thiết phải làm là nói rõ cho bạn đời biết chính xác bạn cảm thấy thế nào và hỏi kỹ anh ấy khi không chắc chắn anh nghĩ gì. Và đừng bao giờ kỳ vọng rằng giao tiếp qua kỹ thuật số có thể giúp chuyển tải hoàn toàn thông điệp và suy nghĩ của mình.
8. Theo đuổi đam mê của riêng mình
Sống xa bạn đời là cơ hội để bạn tìm kiếm và theo đuổi niềm đam mê riêng của mình. “Tôi đã phải làm mới bản thân và thử những thứ mà tôi thích còn chồng thì không”, một phụ nữ chia sẻ về việc cô làm trong khoảng thời gian vợ chồng xa nhau. Đối với bất kỳ cặp đôi nào thì quá nhiều thời gian ở bên nhau cũng dễ dàng tạo ra sự nhàm chán, gò bó. Đi chơi với bạn bè, tập thể dục thể thao, hay làm tình nguyện viên có thể giúp bạn tránh phụ thuộc hoàn toàn vào chồng mình.
9. Không ôm đồm quá nhiều
Khi Elizabeth và chồng bắt đầu sống xa nhau, cô muốn làm càng nhiều việc càng tốt để không có nhiều thời gian nghĩ về sự xa cách. Và thật không may là điều này đã tạo ra áp lực cho hôn nhân của họ. “Cảnh vợ chồng mỗi người một nơi tự bản thân nó đã đầy rẫy khó khăn rồi cho nên chúng ta cần tránh những áp lực và kỳ vọng mới”, cô chia sẻ. Ngay cả khi bạn và bạn đời sống gần nhau thì việc ôm đồm quá nhiều việc sẽ làm giảm sự quan tâm và chăm sóc của bạn dành cho gia đình do bạn còn phải dành tâm sức để đạt được những mục tiêu khác. Vì thế, hãy cố gắng tránh ôm đồm quá nhiều việc để bạn có thể toàn tâm toàn ý cho gia đình.
10. Trò chuyện về những điều lặt vặt trong cuộc sống
Thuế má. Sửa chữa nhà cửa. Hóa đơn chi tiêu… Những chủ đề này rất quan trọng và cần thảo luận nghiêm túc giữa hai vợ chồng. Nhưng nếu đó là tất cả những gì bạn và bạn đời thường trao đổi thì đã đến lúc thay đổi. Với vốn thời gian dành cho nhau ít ỏi, các cặp “vợ chồng Ngâu” nên tránh làm cho các cuộc hội thoại của mình trở nên quá tải với những chủ đề căng thẳng. “Hãy cố gắng nói về những chủ đề ngoài hôn nhân hay công việc, ví dụ như một cuốn sách bạn đang đọc hay một chương trình truyền hình mà cả hai đang theo dõi”, Elizabeth chia sẻ. Nếu bạn chỉ giới hạn nội dung cuộc trò chuyện của mình vào những chủ đề nghiêm túc thì điều đó có nghĩa là bạn đã bắt đầu coi việc trò chuyện với chồng là một nhiệm vụ chứ không phải là một niềm vui.
Thanh Mai (theo womansday)