Xứ sở mặt trời mọc hấp dẫn du khách suốt bốn mùa với nhiều cảnh đẹp trải dọc đất nước. Nếu bạn đang lo lắng về việc không biết tiếng Nhật khi đi du lịch nơi này, những bí kíp nhỏ sau đây sẽ giúp bạn thoải mái khám phá trọn vẹn đất nước Nhật Bản:
Wi-Fi cầm tay
Internet ở Nhật phát triển nhưng không có nhiều nơi miễn phí Wi-Fi như ở Việt Nam. Ngoài khách sạn, nhà ga lớn thì không phải quán cà phê, cửa hàng nào cũng có thể truy cập mạng không mất tiền. Do đó, nếu có thể, bạn nên dành một khoản kinh phí để thuê thiết bị Wi-Fi cầm tay từ Việt Nam mang đi hoặc thuê tại các quầy dịch vụ của sân bay ở Nhật (giá có thể cao hơn thuê từ Việt Nam). Bạn cũng nên hỏi trước các chủ nhà trọ liệu có cung cấp miễn phí thiết bị này hay không.
Việc có Wi-Fi cầm tay giúp bạn tiện lợi trong việc tìm đường, liên lạc, truy cập mạng xã hội mọi lúc mọi nơi, đồng thời sử dụng phần mềm phiên dịch khi cần thiết.
Tuy vậy, nếu bạn là kiểu du khách thích trải nghiệm, dấn thân mà không phải phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, hãy cứ tự tin lên đường bởi Nhật là đất nước không quá khó để tồn tại với các bí quyết tiếp theo dưới đây.
Đi lại
Di chuyển qua lại giữa các thành phố lớn, phương tiện thuận lợi nhất là tàu cao tốc shinkansen và tàu điện thông thường. Với visa du lịch, bạn có thể mua loại vé Japan Rail Pass (JR Pass) qua trang web của hãng đường sắt Nhật Bản Japan Railways (JR). Website này cũng có rất nhiều dịch vụ đi kèm như pocket Wi-Fi, sim card, bus đưa đón sân bay... rất tiện lợi. Ở Việt Nam, cũng có một số đại lý bán loại vé này.
Giá vé dao động từ 254 USD cho 7 ngày và 405 USD cho 14 ngày, bạn sẽ thoải mái khám phá nước Nhật trên hệ thống đường sắt của hãng JR. Nhược điểm nhỏ là bạn sẽ không thể sử dụng tàu điện cao tốc mang tên Nozomi và Mizuho.
Tại những đô thị lớn, tàu điện ngầm là phương tiện an toàn và tiện lợi nhất. Bạn chỉ cần ghé những ga lớn, chọn tấm bản đồ tàu điện ngầm tiếng Anh. Bạn có thể cầm luôn cả bản đồ tiếng Nhật để dễ bề so sánh khi cần hỏi đường. Máy bán vé tự động có tiếng Anh khá dễ sử dụng. Tại các trạm dừng đều có tiếng Anh đi kèm tiếng Nhật dán trên tường. Trong tàu, bảng chỉ dẫn và thông báo thường có hai ngôn ngữ Nhật - Anh. Các nhân viên nhà ga rất nhiệt tình và lịch sự, nếu không thể giải thích, họ sẽ trực tiếp đưa bạn đến tận sân ga hay lối ra mà bạn đang tìm kiếm.
Xe buýt và tàu điện địa phương đi về các vùng quê nhiều chặng hay trạm sẽ không có tiếng Anh (hoặc phiên âm cách đọc ra tiếng Anh) nên sẽ là thử thách thú vị cho bạn.
Tàu ở Nhật rất đúng giờ nên nếu bạn thấy thông báo 11h57 lên tàu thì hãy thực hiện đúng như vậy. Bạn đừng làm tròn thành 12h nếu không muốn lên nhầm một con tàu khác.
Hỏi đường
Khi ở Nhật, bạn đừng bất ngờ chặn đường ai đó để hỏi thăm. Người Nhật rất quan trọng về giờ giấc nên nếu họ đang vội để kịp giờ thì họ sẽ từ chối bạn. Ngoài ra nhiều người ngại giao tiếp do không tự tin về ngoại ngữ (tiếng Anh). Nếu bạn nhận được cái cúi đầu và câu xin lỗi (bằng tiếng Nhật) thì đừng bất ngờ và thất vọng. Khi cần hỏi gì, bạn hãy quan sát trước, chọn những người bảo vệ, nhân viên cửa hàng, cảnh sát hay tới quầy thông tin để hỏi sẽ dễ dàng hơn.
Ăn uống
Hầu hết nhà hàng quán ăn tại Nhật đều có thực đơn in hình ảnh đi kèm rất sinh động. Trước cửa, họ cũng bày sẵn thực đơn hay dán các poster hình ảnh bắt mắt. Bạn hãy mạnh dạn mở cửa bước vào, chờ nhân viên hướng dẫn đến bàn và bắt đầu thưởng thức những món ăn yêu thích.
Nếu nhà hàng không có thực đơn tiếng Anh, bạn cứ xem các hình ảnh trên bản giới thiệu tiếng Nhật là đủ hiểu. Nếu muốn ăn món đặc trưng của quán, hãy nhớ từ khóa "osusume". Người Nhật cũng dùng tiếng Anh theo cách riêng của họ để chỉ thực phẩm. Thông thường, các âm cuối sẽ được thêm nguyên âm như o hay u. Muốn ăn thị bò chỉ cần gọi "bifu - beef", cá là "fishu - fish", hay muốn uống bia "biru - beer"...
Nếu bạn gọi nhầm món, đa phần nhà hàng vẫn có thể đổi cho bạn hoặc nếu bạn không biết đây là món gì hãy cứ thử xem sao. Ẩm thực Nhật rất phong phú chứ không chỉ gói gọn trong sushi hay sashimi và thường hợp khẩu vị du khách Việt. Nếu lưu trú tại khách sạn, hãy hỏi nhân viên tiếp tân quán ăn uống bình dân kiểu Nhật (izakaya) gần nhất để trải nghiệm.
Tối thứ 6 và cuối tuần thường rất đông khách nên có thể bạn sẽ phải xếp hàng chờ hoặc nếu ngồi vào bàn cũng sẽ bị giới hạn thời gian (trung bình là 2 tiếng). Nếu vẫn quá sớm để về nghỉ hãy di chuyển sang "izakaya" tiếp theo, bạn hãy làm tăng hai với các món ăn khác. Lưu ý cuối cùng là nếu nghe chữ "last order" từ nhân viên quán có nghĩa là quán sắp đóng cửa hoặc thời gian ngồi tại quán của bạn đang gần hết, và đây là lần cuối bạn có thể gọi thêm món.
Trải nghiệm combini
Combini là cách gọi cửa hàng tiện lợi trong tiếng Nhật. Trong vòng bán kính vài trăm mét tại các đô thị lớn hay vài km vùng thôn quê, nơi đâu bạn cũng sẽ có thể thấy các cửa hàng tiện lợi của 7Eleven, Family Mart, Lawson, Ministop... Đó là thế giới thu nhỏ của siêu thị, nhà sách, ngân hàng, cửa hàng rượu bia, đồ ăn thức uống...
Nếu bạn là tín đồ của những món đồ xinh xinh, combini sẽ thỏa mãn bạn với những chai nước chấm, lọ sốt mayonnaise, bộ đồ may vá, chai nước rửa mặt, kem dưỡng da... cỡ nhỏ. Các loại kem, snack đặc trưng của Nhật ngon và rẻ (chỉ từ 100-200 yen tương đương 20.000-40.000 đồng) bày bán đầy trên kệ và đủ các loại bia mang màu sắc theo mùa được bày bắt mắt.
Cơm nắm (onigiri), cơm hộp (obento), rau củ, salad, trái cây, xúc xích, ức gà chế biến sẵn... lúc nào cũng sẵn sàng ở các cửa hàng này. Bánh bao, thịt gà chiên giòn, thịt nướng xiên que và oden (các loại chả, củ cải, đậu hũ hầm trong nước dùng) nghi ngút khói sẽ luôn chờ bạn. Nhiều combini còn trang bị cả bàn ghế, nước sôi để khách nghỉ chân dùng bữa.
Tại combini, bạn có thể gửi đồ như ở bưu điện, mua thẻ chơi điện tử, rút tiền, mua vé xe bus, vé xem hòa nhạc, trả tiền điện, nước, thuế, thuê nhà và cả đi nhờ WC.
An Nam
Xem thêm Màn chiều khách 'có một không hai' của tiếp viên Nhật Bản