Bước sang tuổi 51, ông Chiến (quận 4, TP HCM) thường cảm thấy trống trải, khi sức khỏe và các mối quan hệ không được như ý. Trước đây, một tuần ông có thể đi nhậu với bạn bè vài lần, hôm sau vẫn khỏe mạnh đi làm như bình thường. Giờ nhấp vài ngụm, ông đã đau đầu nên cũng hạn chế gặp gỡ giao lưu ăn uống. Tháng trước, ông còn phải nhập viện sau một chầu nhậu. Ông có hai con trai, một đang học đại học, một đang theo học cấp 3 song con càng lớn nhu cầu giao tiếp giữa bố - con càng hạn chế. Thậm chí có ngày do lịch sinh hoạt lệch nhau, ông và 2 con không có cơ hội trò chuyện. Trong khi vợ - người ông thấy cần chia sẻ nhiều thì lại tỏ vẻ thờ ơ, thậm chí bà còn bảo "già rồi còn vẽ chuyện như bọn trẻ". Bà ngoài việc ở công ty còn tranh thủ làm thêm bên ngoài, để tích lũy dưỡng già và lo cho con thứ học đại học.
Tài chính eo hẹp là lý do khiến bà Thu (52 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM) cảm thấy lo lắng trước tuổi già đang đến gần. Mấy tháng trước, hai vợ chồng bà lần lượt nhập viện, mấy cuốn sổ tiết kiệm phải đem ra sử dụng. Thời gian qua bà cũng chán công việc đang làm song không dám nghỉ việc vì sợ không xin được việc mới ở tầm tuổi U60. "Tôi bây giờ già, chậm, không nhanh nhạy bằng bọn trẻ nên làm việc hiệu quả kém hơn, cũng không dám nhận nhiều việc. Vì thế lương cũng không tăng, mà còn giảm", bà Thu chia sẻ. Các con vẫn còn đi học, chưa đi làm nên hai vợ chồng bà dù nhiều lúc mệt mỏi vẫn phải cố gắng bám trụ công việc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy con người gặp phải những vấn đề tâm lý ở tuổi 50. Elliot Jaques, nhà phân tích tâm lý người Canada, năm 1965 đã đưa ra khái niệm "khủng hoảng tuổi 50" để chỉ giai đoạn chuyển từ người trẻ sang người có tuổi. Trong thời gian này, họ thường trăn trở, so sánh những thành quả, mục tiêu và ước mơ với những gì từng ao ước trong quá khứ, cũng như suy nghĩ về vị trí của bản thân hiện tại.
Hannes Schwandt, một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton (Mỹ) vào năm 2013 đã có một nghiên cứu cho biết đối với hầu hết mọi người, cuộc sống rơi vào tình trạng tụt dốc trong giữa những năm 50 tuổi có thể là vì đó là lúc mọi người cảm thấy hối tiếc nhất.
Tuy nhiên, trong khi có nhiều người cảm thấy "khủng hoảng tuổi trung niên" thì cũng có những người lại hài lòng với tuổi 50 của mình. Đã tích lũy được một số vốn nhất định, có nhà để ở và căn hộ cho thuê, mua sẵn nhiều loại bảo hiểm, đối với bà Xuân 53 tuổi (ngụ tại Hoàng Mai, Hà Nội), đi làm bây giờ chủ yếu vì không khí ở công ty vui vẻ. Bà không lo lắng về số lương nhận hàng tháng, không tham vọng lên vị trí quản lý để tăng thu nhập. "Tôi chỉ cố gắng làm tốt chuyên môn để khẳng định với đám trẻ là tôi còn giá trị như thế nào", người phụ nữ đã có cả cháu nội cháu ngoại chia sẻ.
Bà Thu Hồng, một nhà báo kể thỉnh thoảng kể nhóm bạn bà vẫn hay hỏi nhau, khi già sẽ làm gì, đa số mọi người nghĩ đến đi du lịch, trông cháu, trồng cây. Ở tuổi 50, khi việc gia đình và việc tòa soạn đều trở nên nhẹ nhàng, bà học thêm trồng hoa, học nấu ăn và chăm chỉ tập thể dục. Bà cho rằng, tiếp tục học tập và làm việc khi về già sẽ giúp mỗi người hạnh phúc hơn.

Chuẩn bị tốt về sức khỏe, tài chính từ trước giúp nhiều người vượt qua khủng hoảng tuổi 50. Ảnh: Shutterstock
Với những người không gặp phải hoặc vượt qua khủng hoảng tuổi 50 đều có điểm chung là sự độc lập, tự do nhất định ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Trong đó có tự do tài chính đảm bảo cuộc sống, tự do tinh thần để không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố khách quan, và sức khỏe để theo đuổi những đam mê, niềm vui của cuộc sống. Hay nói cách khác, sức khỏe tài chính, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất được coi là những yếu tố quan trọng giúp một người vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn quá độ từ trẻ sang già. Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người có thể tích lũy tài chính từ thời trẻ, giữ gìn sức khỏe từ thời trẻ, xây dựng cho mình một tinh thần lạc quan, độc lập, không bị tác động nhiều bởi ngoại cảnh để có được cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc ở tuổi 50.
"So với trước đây, ở tuổi 50 và có thể sau này về già, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tự do những điều mình thích, được khẳng định bản thân mình để thấy mình không vô dụng", bà Hồng chia sẻ.
Cuối năm 2020, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam) hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, thực hiện khảo sát đầu tiên về "Cuộc sống độc lập khi về già", nhằm phản ánh các mối quan tâm, sự kỳ vọng cũng như mức độ sẵn sàng và tự tin của người Việt cho cuộc sống độc lập khi về già. Khảo sát được thực hiện với những người Việt ở độ tuổi 30-45, sinh sống tại TP HCM và Hà Nội, dựa trên ba khía cạnh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.

Khảo sát của Prudential cho thấy 70% sẵn sàng cuộc sống khi về già. Ảnh: Shutterstock
Kết quả cho thấy 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Tuy nhiên, khảo sát tiết lộ một khoảng cách lớn giữa sự kỳ vọng và mức độ chuẩn bị của người Việt Nam cho giai đoạn này. Chỉ có 4 trên 10 người Việt Nam lên kế hoạch và hành động cho cuộc sống về già của mình.
Người Việt Nam có xu hướng bắt đầu hoạch định cho cuộc sống về già khi họ bước vào độ tuổi 40. Đây cũng là độ tuổi trung bình mà người Việt nghĩ họ cần bắt đầu chuẩn bị cho cả ba khía cạnh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính.
Mặc dù, mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt Nam đang khá cao - trên 70%, nhưng mức độ tự tin về việc có thể đạt được các kỳ vọng của mình cho cuộc sống về già chỉ khoảng 40% cho cả ba khía cạnh.
Kim Anh