Những ai từng lớn lên cùng anh chị em đều biết rằng sẽ có lúc chúng ta không hòa thuận với một hay một số người trong số họ. Tuy nhiên, dù xung đột là một phần của tất cả các mối quan hệ, nhưng vẫn có cách để giảm thiểu điều đó. Dưới đây là một số cách từ Smartparenting để bố mẹ có thể giúp các con lớn lên như những người bạn bên nhau:
Thể hiện và dạy các con biết đồng cảm
Khi con cái thể hiện thất vọng, bố mẹ nên để trẻ biết bạn hiểu chúng. Điều này giúp xác nhận điều trẻ cảm thấy. Khuyến khích các con sử dụng từ ngữ để bộc lộ cảm giác thay vì đánh nhau.
Trong mọi cuộc xung đột, đừng vội vàng đưa ra kết luận và ngay lập tức "trừng phạt thủ phạm" là đứa con bắt đầu cuộc chiến. Thay vào đó, hãy thực hành lắng nghe tích cực bằng cách khuyến khích trẻ cởi mở nói lên ý kiến. Bạn có thể sử dụng những cụm từ như "Các con nói cho mẹ nghe xem có chuyện gì xảy ra thế" và "Thế điều đó khiến con cảm thấy thế nào?".
Khi trẻ cảm thấy chúng có thể cởi mở nói những điều chúng cảm thấy, kể cả về "người xấu", chúng có thể kết thúc cuộc chiến một cách hòa bình và hòa hợp hơn với nhau vì chúng biết bố mẹ hiểu chúng và luôn lắng nghe khi chúng cần.
Cố gắng tránh so sánh
Nếu bạn so sánh trẻ liên tục (chẳng hạn: "Sao con không chăm chỉ như chị con nhỉ", hay "Nào Tim, em vâng lời hơn con nhiều đấy"...) thì sẽ càng thúc đẩy cảm giác ghen tỵ lẫn nhau giữa các con. Bọn trẻ cũng có thể cảm thấy thiếu tự tin về bản thân. Những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn tới sự thù địch, cãi nhau và chia rẽ. Thay vì cảm giác muốn ở bên nhau, trẻ sẽ muốn loại trừ nhau.
Điều bố mẹ nên làm là nói riêng với mỗi trẻ về điểm mạnh và điểm yếu của con. Hãy nhớ là làm điều này với từng bé, khi bạn dành thời gian cho con.
Đảm bảo các con hiểu với những nguyên tắc bạn đưa ra
Và hãy cố gắng hết sức để thực hiện các nguyên tắc đó. Luôn nhắc nhở các con rằng la hét, trêu chọc, đánh nhau và các hình thức dùng bạo lực khác là không thể chấp nhận được. Bạn có thể viết hay in các nguyên tắc trong gia đình ra và dán ở những chỗ dễ thấy trong nhà. Nếu một trong số các con chưa biết đọc, bạn có thể dùng biểu tượng hay tranh vẽ để trẻ có thể nhận biết từng nguyên tắc.
Cũng đừng quên dạy các con rằng những nguyên tắc này áp dụng với cả những trẻ khác mà các bé gặp tại khu vui chơi, trường học, hàng xóm... chứ không riêng với anh chị em mình.
Khi các con không chơi đẹp, hãy tách chúng ra
Một tiến sĩ về giáo dục cho biết khi các con đánh nhau, cô sẽ để mỗi đứa một phòng riêng cho đến khi nào bọn trẻ quyết định sẽ cư xử tốt với nhau.
Trẻ thường không muốn mất bạn chơi nhưng nếu chúng tiếp tục cãi cọ hay đánh nhau, hãy đưa ra "lời đe dọa" của bạn và tách trẻ ra khi cần thiết. Bảo các con suy nghĩ về hành động của chúng trong khi mỗi đứa ở một nơi.
Dạy trẻ tôn trọng đồ của nhau
Khi lý do của những cuộc tranh cãi giữa anh chị em là đồ chơi hay thứ gì đó, điều tốt nhất, đầu tiên và quan trọng nhất là dạy các con tôn trọng tài sản của nhau. Nếu các con cùng ở một phòng, hãy thiết lập không gian "riêng" nhất định cho mỗi trẻ và sau đó là một không gian "chung". Cho phép các bé tự trang trí không gian của riêng mình và cất giữ những vật dụng của chúng.
Nếu một anh chị em nào muốn mượn hay dùng một đồ nào đó của người kia, bé phải xin phép. Những vật hay đồ dùng trong vùng "chung" thì tất cả mọi người có thể sử dụng, không cần hỏi mượn.
Nhớ là, sự tôn trọng bắt đầu từ gia đình. Hãy dạy trẻ tôn trọng người khác bằng cách đầu tiên là tôn trọng anh chị em mình.
Khuyến khích các con tuân theo sự lần lượt
Điều này có thể thực hiện trong lúc chơi, và thậm chí trong những việc khác, như khi chọn kênh TV hay đĩa DVD để xem, hay món tráng miệng sẽ được dùng sau bữa tối.
Học cách nhường nhịn, đợi tới lượt mình có thể giúp giải tỏa xung đột ngay cả khi nó chưa bắt đầu. Nhắc bọn trẻ rằng "cho và nhận" là thái độ tốt cần thực hiện, và điều này sẽ có ích cho các con khi chúng đã trưởng thành.
Chuẩn bị cho việc ra đời của em bé mới
Bố mẹ cần tránh khuấy động sự bất mãn giữa các anh chị lớn hơn bằng cách chuẩn bị tâm lý cho con về sự xuất hiện của em bé sắp chào đời. Nói chuyện với trẻ lớn về em bé, cho trẻ xem các bức hình siêu âm em trong bụng mẹ và đọc cho trẻ những cuốn sách về anh chị em và sự chuẩn bị cho một thành viên bé bỏng mới. Hơn hết, bố mẹ cần nhắc cho các bé lớn biết rằng mỗi con đều là duy nhất, đặc biệt và là tình yêu sâu sắc của bạn, dù có bất cứ điều gì xảy ra.
Đừng cảm thấy phải can thiệp mỗi lần các con tranh giành
Thi thoảng, trẻ cần tự giải quyết những xung đột của mình bằng cách riêng của chúng, đặc biệt khi các con cãi nhau về những thứ nhỏ nhặt. Hãy để mặc trẻ nhưng cần sẵn sàng can thiệp nếu việc đánh nhau hay tranh cãi trở nên quá mức kiểm soát hay trở thành trò bạo lực.
Trở thành tấm gương tốt
Bố mẹ là tấm gương đầu tiên và là người thầy tốt nhất của trẻ. Khi bạn hay cãi nhau về những điều vụn vặt với người khác (nhất là với vợ hay chồng mình) hoặc giải quyết mâu thuẫn bằng những cách "không lành mạnh", con cái của bạn cũng sẽ học những hành vi này.
Khi các con tranh cãi nhau, bố mẹ nên nhớ là đừng đứng về một phía nào, cần đối xử một cách công bằng và lắng nghe từng con một cách công khai. Bạn cũng cần cố gắng hết sức để sống theo những nguyên tắc đã đặt ra trong gia đình, khuyến khích và dạy trẻ làm theo.
Cuối cùng, bố mẹ phải xây đắp một môi trường hòa bình, đầy tình yêu thương và thống nhất trong gia đình mình.
Vương Linh