Chủ nhật, 12/1/2025
Thứ tư, 7/6/2023, 14:04 (GMT+7)

Bí quyết có vườn sân thượng 10 năm luôn xanh tốt

Hưng YênMê cây cối và muốn có rau sạch cho gia đình nên 10 năm nay chị Dương Kim Oanh, 46 tuổi (ở Văn Lâm) giữ thói quen kéo đất lên sân thượng gần 40 m2 làm vườn.

Vợ chồng chị Kim Oanh chuyển đất lên sân thượng bằng cách buộc dây thừng vào vỏ thùng sơn đựng đất để kéo lên. Giá thể được trộn theo công thức 40% đất phù sa, 60% hữu cơ từ nguồn ủ rác nhà bếp, tro bếp đun dở, vỏ lạc, xơ dừa.

Gia đình trồng hàng chục loại rau theo mùa nhưng nhiều nhất là mùa đông. Mùa hè miền Bắc nắng nóng, chị chỉ trồng đủ ăn, một số chậu bỏ không, để đất chờ.

Trong những chậu để không đó, chị nhổ gốc rau đã già vùi tại chỗ, tưới ẩm hàng ngày để nuôi vi sinh vật, tăng thêm chất dinh dưỡng và giúp đất luôn tơi xốp.

Chị Kim Oanh làm thêm giàn treo để trồng các loại cây leo giàn, đồng thời tận dụng khoảng không bằng cách làm các chậu móc trồng rau trên cao.

"Tôi nhớ có hôm mới gieo cây giống, nửa đêm trời nổi giông nên chạy lên sân thượng cứu cây. Chồng tỉnh dậy không thấy vợ đâu tưởng chuyện gì xảy ra, được phen hết hồn", chị kể. Sau bữa đó, anh không cho vợ làm vườn nữa, nhưng chị năn nỉ nên chồng chẳng thể cản.

Sau này, khi thấy thành quả vợ tạo dựng, anh hỗ trợ chị nhiều hơn. Vào những dịp chính vụ, cần chăm sóc nhiều, anh chồng phụ vợ tưới nước, bắt sâu, tỉa lá.

Cà chua là cây trồng ưa thích của chị Kim Oanh trên vườn, được trồng bao quanh sân thượng. Chị cho biết, cà chua ít sâu bệnh nhưng hay bị nấm do sương muối, thừa nước, thừa dinh dưỡng, thời tiết thất thường.

Kinh nghiệm của chị là muốn trồng cà chua, rau sạch cần tuyệt đối tránh lạm dụng phân bón hóa học, thuốc kích thích chỉ dùng phân hữu cơ và phòng trừ bệnh bằng chế phẩm sinh học. "Các bước chăm sóc phải cẩn thận, tỉ mỉ thì mới thành công", chị cho hay.

Để có những cây cà chua sai trĩu quả, khi ra trái, chị Kim Oanh bổ sung kali, canxi Bo, cắt tỉa các lá già và lá có dấu hiệu gây bệnh, giữ gốc thông thoáng. "Tránh tưới nước vào gốc và lá khi tối muộn, chỉ tưới sáng hoặc chiều", chị nói.

Trên vườn hè nào cũng có rau mồng tơi. Cứ giữa vụ chị lại cho leo giàn để cành lá phát triển. Sau thời gian thu hoạch, cây già, chị nhổ rồi cắt thân thành đoạn, đặt nằm xuống chậu, vùi ít đất. Cứ vậy, cây bật mầm lại có mùng tơi mới.

Để rau muống quang hợp và phát triển nhanh, chị thường chọn ngọn tốt nhất, hái sát tận gốc, giữ lại ngọn đang phát triển. Cứ hái như vậy, chị thấy cách vài ngày lại được thu hoạch.

Trên vườn chị trồng hàng chục chậu su hào Hàn Quốc. Chủ vườn thường tưới rác nhà bếp, dung dịch chuối ngâm và axit humic (nhóm các phân tử liên kết giúp rễ cây tiếp nhận nước và chất dinh dưỡng) để cho củ to, nhanh trưởng thành.

Năm nào chị cũng dành vài chậu để trồng rau diếp thơm vì đây là loại dễ trồng, dễ chăm sóc. Theo chị Kim Oanh, rau thơm mùi lá nếp, ăn sống, xào tỏi, nấu canh thịt, tôm hay nhúng lẩu đều rất ngon.

Mỗi vụ chị trồng hai lứa diếp thơm, vào vụ xuân và hè. "Cây lên ngồng cao không nên nhổ bỏ, lấy ngồng đó tước vỏ rồi xào ăn", chị chia sẻ.

Sau 10 năm trồng rau sân thượng, chị Kim Oanh cho rằng bí quyết hàng đầu để vườn xanh tốt là đất trồng tơi xốp để cây phát triển, phải hiểu đặc tính từng cây để bón phân theo từng giai đoạn. Rau trồng đúng mùa vụ để phát triển thuận lợi và hạn chế sâu bệnh.

Công việc của một kế toán đòi hỏi sự tập trung cao độ nên rất căng thẳng đầu óc. Làm vườn là cách giúp chị giải tỏa, thư giãn. "Tuy vất vả nhưng bù lại gia đình có rau sạch để ăn, có vườn để ngắm và có đam mê được thỏa mãn", chị nói.

Nhật Minh
Ảnh nhân vật cung cấp