Mặc dù tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần nhưng nhiều phụ nữ cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, không cảm thấy hạnh phúc... Đó là những chia sẻ mà bà Tăng Ngọc Nữ (Thạc sĩ Công nghệ sinh học Đại học Cornell Mỹ, Trưởng phòng tư vấn di truyền tại Genetica) thường gặp khi tư vấn cho các chị em trong 4 năm làm việc tại đây.
Nhiều nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, hầu hết các trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần như rối loạn lo âu, căng thẳng, trầm cảm, đãng trí... thường gặp ở phụ nữ. Điều đó làm cho chị em không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
Cách cân bằng sức khỏe thể chất, tinh thần
Theo Thạc sĩ Ngọc Nữ, những người phụ nữ vừa làm mẹ vừa làm vợ, nỗ lực trong công việc... đôi khi không đủ thời gian dành cho bản thân. Vì vậy, chị em có thể cảm thấy không vui vẻ với cuộc sống thường nhật, thậm chí còn mệt mỏi, căng thẳng, dễ cáu gắt, trầm cảm... Có nhiều cách hay giúp phụ nữ "quẳng gánh lo đi mà vui sống", cân bằng giữa công việc, cuộc sống gia đình và thời gian cho bản thân. Dưới đây là gợi ý về phương pháp chăm sóc sức khỏe đề cao trải nghiệm, cảm xúc của bản thân mà chị em có thể tìm hiểu.
Xu hướng wellness: đề cao việc chăm sóc sức khỏe toàn diện của một người, bao gồm trạng thái khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Có rất nhiều người nghĩ rằng, mỗi 6 tháng hoặc một năm đi khám sức khỏe định kỳ và kết quả không có vấn đề về sức khỏe là đang khỏe mạnh. Theo tổ chức WHO, một người thật sự khỏe mạnh không đơn giản chỉ là không có bệnh tật (sức khỏe thể chất) mà phải là sự hạnh phúc, cảm giác trọn vẹn về mặt tinh thần (sức khỏe tinh thần).
"Dù bận rộn nhưng chị em nên cố gắng dành thời gian làm những việc bản thân mong muốn, có thể ngồi thiền, tập yoga... cho đầu óc thư thái. Khi đó, chị em có thể cảm nhận được mọi thứ xung quanh ý nghĩa và yêu đời hơn", thạc sĩ Ngọc Nữ chia sẻ.
Xu hướng cá nhân hóa: nghĩa là mỗi cơ thể chúng ta là duy nhất và gene di truyền là yếu tố quy định nên sự khác nhau trong cơ địa mỗi người. Do đó, mỗi người cần có chế độ chăm sóc riêng biệt, không thể áp dụng "một cho tất cả".
Dựa trên phân tích thông tin về gene, mỗi người phụ nữ sẽ hiểu hơn về khuynh hướng hành vi của chính mình, ví dụ hướng nội, hướng ngoại, dễ hay khó kiểm soát cảm xúc, căng thẳng... Từ đó, chị em có thể tìm cách để điều tiết cảm xúc sao cho đạt được trạng thái cân bằng, thư thái.
Thạc sĩ Ngọc Nữ chia sẻ thêm, một số người có thể mang một biến thể bất lợi trên gene TMEM106B. Gene TMEM106B giúp truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh, từ đó, ảnh hưởng đến trí nhớ. Do đó, có người ở độ tuổi 30, 40 đã có hiện tượng quên trước, quên sau. Nếu như gặp phải tình trạng này thì các bác sĩ, tư vấn viên về di truyền có thể gợi ý cho chị em chơi game rèn luyện trí não mỗi ngày 15 phút, bổ sung omega-3, các chất chống ôxy hóa như vitamin A, C.
Chăm sóc sức khỏe theo xu hướng cá nhân hóa hiện nay được ứng dụng nhiều trong thăm khám, chữa bệnh. Ví dụ dựa trên xét nghiệm các gene đột biến (EGFR, ALK, KRAS...) ở bệnh nhân ung thư phổi, hỗ trợ bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị trúng đích phù hợp với cá thể người bệnh.
Hiểu bản thân để ăn uống lành mạnh
Gene cũng có liên quan đến chế độ ăn uống của một người. Việc giải mã gene có thể giúp phụ nữ hiểu thêm về khả năng chuyển hóa dinh dưỡng như chất bột đường, chất béo, chất đạm, nhu cầu vitamin và khoáng chất, nguy cơ mắc một số bệnh di truyền như ung thư di truyền.
Các chuyên gia dinh dưỡng di truyền còn có thể giúp một người tìm hiểu về khả năng nhạy cảm với thức ăn, khả năng giải độc, độ thích ứng với chế độ ăn uống giảm cân... Từ những gợi ý đó, chị em có thể lựa chọn thực phẩm và có chế độ ăn uống phù hợp hơn để nâng cao sức khỏe.
Chuyển hóa dinh dưỡng: qua phân tích gen, một phụ nữ biết bản thân chuyển hóa bột đường kém hơn những người khác do các biến thể bất lợi liên quan đến giảm nồng độ HDL (nồng độ cholesterol trong máu). Thạc sĩ Ngọc Nữ khuyên người phụ nữ mang biến thể này nên hạn chế đồ ngọt và chọn nhóm thực phẩm chứa chất bột đường phức tạp, giàu chất xơ như các loại đậu, hạt, các loại củ như ngô, khoai, sắn. Bên cạnh đó, một số chị em mang biến thể trên gene AMY làm giảm khả năng sản sinh ra enzyme amylase (giúp tiêu hóa chất bột đường) nên ăn chậm và nhai kỹ thức ăn đến từ chất bột đường.
Ăn uống theo cảm xúc: nếu kiểu gen cho thấy một người ít có xu hướng ăn uống theo cảm xúc, nhờ vào cơ chế kiểm soát sự đói thì hiếm khi hình thành thói quen ăn vặt. Trường hợp muốn ăn vặt thì các món lành mạnh như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám và sữa ít béo sẽ có lợi. Người này cũng ít có khả năng mắc chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, chứng rối loạn này vẫn có thể bị gây ra bởi các tác nhân không di truyền, đặc biệt là căng thẳng. Do đó, khi đã xác định được tác nhân gây căng thẳng, cố gắng tạm thời buông bỏ chúng là một gợi ý.
Khả năng thích ứng với chế độ ăn giảm cân: nhiều chị em thường lo lắng về việc tăng cân gây mất thẩm mỹ, không ít người tìm cách giảm cân nhưng không thành công. Thạc sĩ Ngọc Nữ chia sẻ, một số người không thể kiểm soát sự thèm ăn, có khuynh hướng ăn rất nhiều. Số khác có thể duy trì chế độ ăn, tuy nhiên, họ tăng cân lại ngay khi không kiểm soát chế độ ăn.
Theo thạc sĩ Ngọc Nữ, DNA của mỗi người khác nhau, không có tiêu chuẩn chung để giảm cân hiệu quả. Một chế độ ăn hiệu quả với một người có thể không hiệu quả với một người khác. Đó là do khả năng chuyển hóa của mỗi người khác nhau được quy định bởi gen. Hiểu về thông tin di truyền sẽ cho phép chị em thay đổi chế độ ăn để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu duy trì sắc vóc.
Ví dụ: khả năng chuyển hóa chất bột đường của một phụ nữ bẩm sinh thấp hơn trung bình và người phụ nữ này mang biến thể làm gia tăng hoạt động của enzyme ty thể. Sự gia tăng này có thể dẫn đến sự suy giảm HDL (cholesterol tốt). Vì thế, chế độ ăn tập trung giảm thiểu chất bột đường, nạp chất béo lành mạnh như cá hồi hoặc các loại hạt có dầu sẽ phù hợp.
Kim Uyên