Đầu tháng 12, Jack Ma (55 tuổi, nhà sáng lập Alibaba) tham dự hội nghị ở Paris, Pháp do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tổ chức sau khi công bố kết quả bài kiểm tra PISA 2018. Mục đích của hội nghị là thảo luận phương pháp chuyển dịch từ hệ thống giáo dục "lò luyện thi" sang môi trường học tập chăm lo ba khía cạnh bao gồm: kiến thức, tinh thần và kỹ năng mềm.
Tại đây, Jack Ma cho rằng đối với giáo viên, việc giảng dạy hay tinh thần trách nhiệm chỉ là thứ yếu, điều cốt yếu là khả năng khiến học sinh yêu thích và đam mê với việc học. "Thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhưng giáo dục thì không", ông nói.
Tỷ phú người Trung Quốc hy vọng giáo viên sẽ truyền đạt 3Q đến học sinh. Bởi nếu muốn thành công, bạn cần có EQ cao để biết cách hòa đồng với mọi người xung quanh. Nếu không muốn thất bại nhanh chóng, bạn cần có IQ cao, nhưng nếu muốn được tôn trọng, bạn nên có LQ, thương số của tình yêu, lòng trắc ẩn.
Ông giải thích bộ não sẽ được thay thế bằng máy móc, nhưng máy móc không bao giờ có thể thay thế trái tim của con người.
Andreas Schleicher, điều phối viên tại OECD, hoan nghênh cách tiếp cận triệt để và toàn diện của Jack Ma. Ông cho biết khi thảo luận, lãnh đạo các doanh nghiệp thường coi giáo dục như công cụ để đào tạo người lao động trong tương lai thay vì hướng tới đào tạo con người toàn diện. Nhưng Jack Ma đã nhìn được xa hơn và đưa ra thông điệp 3Q với mong muốn cải thiện giáo dục.
Trong tương lai, Jack Ma hy vọng các lớp học sẽ không giới hạn trong 40 phút, giáo viên không nhất thiết phải giỏi giang nhất và không đặt câu hỏi cho học sinh chỉ để tìm câu trả lời chính xác. "Nếu chỉ tập trung tiêu chuẩn hóa giáo dục, mọi thứ sẽ được thay thế bằng máy móc", ông nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục có mặt tại hội nghị đã phản đối tư tưởng của Jack Ma và lập luận rằng kiến thức không nên được đánh giá thấp, trường học phải tập trung vào kỷ luật và nâng cao khả năng học thuật cho sinh viên.
Bất chấp những ý kiến phản đối, Jack Ma lấy dẫn chứng từ bản thân khi từng thi trượt đại học nhiều lần, học trường sư phạm địa phương để trở thành giáo viên. Tuy nhiên, ngày hôm nay, ông đã đứng ở đây, tranh luận với những chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới.
Tại hội nghị, Jack Ma đưa ra một số đề xuất nhằm khắc phục điểm yếu của hệ thống giáo dục. Ông đề nghị chú trọng xây dựng các kỹ năng và giá trị làm người cho trẻ em ngay từ bậc mẫu giáo, tiểu học thay vì bắt đầu dạy các em những vấn đề này tại đại học, khi các giá trị đã được thiết lập.
Bên cạnh đó, ông cho rằng giáo viên nên được hỗ trợ mạnh mẽ hơn. "Nếu chúng ta tôn trọng giáo viên tức là tôn trọng kiến thức, tôn trọng tương lai. Hãy tăng lương cho giáo viên, giúp đỡ hiệu trưởng trong việc lãnh đạo vì 60% giáo viên bỏ nghề do không muốn làm hiệu trưởng", ông nói.
Một điểm cũng cần thay đổi là các kỳ thi. Khi Jack Ma hỏi học sinh tại sao lại học tập chăm chỉ, hầu hết trả lời để vào đại học, kiếm được việc làm ổn định. Nhưng tại Alibaba, ông luôn nhắc nhở nhân viên việc đào tạo là để giúp mỗi người làm tốt công việc của mình, không phải vì bài kiểm tra hay kỳ thi nào.
"Đại học không đảm bảo sinh viên sẽ có việc làm", ông nói, cho hay không thuê sinh viên tốt nghiệp trường đại học MIT hay Harvard (Mỹ) vì thương hiệu trường mà vì những ứng viên này sẵn sàng dành cả đời để học hỏi.
Ông khuyến khích dạy học sinh chấp nhận và vượt qua nỗi thất bại. "Chúng ta phải dạy học sinh không phải lúc nào các em cũng gặp may, hãy học cách từ chối và bị từ chối", ông nói, lấy dẫn chứng bản thân từng bị Đại học Harvard từ chối 10 lần.
Cuối cùng, Jack Ma cho rằng giáo dục nên hướng đến sự toàn cầu và đề cao tinh thần đồng đội. Cách thức để triển khai ý tưởng này là tổ chức nhiều môn nghệ thuật như khiêu vũ, thể thao đồng đội hoặc hội họa. Jack Ma hy vọng các trường phổ thông sẽ không còn tình trạng dạy thêm sau giờ học, thay vào đó là các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ.
"Thế kỷ trước, cha ông ta chiến thắng bằng cơ bắp, nhưng thế kỷ này, chúng ta thành công nhờ trí tuệ. Thế kỷ trước, cha ông ta chiến thắng bằng cách lo cho chính mình, nhưng thế kỷ này chúng ta thành công nhờ lòng trắc ẩn, nhờ biết cách quan tâm mọi người xung quanh", ông nói.
Tú Anh (Theo Quartz)