Bản án được TAND thành phố Bắc Ninh tuyên sáng 30/6 với bị cáo Khải, 43 tuổi về tội Không chấp hành án, theo khoản 1, Điều 380 Bộ luật hình sự.
Ly hôn tháng 7/2022, chị Cấn Thị Thùy Dương, vợ cũ của anh Khải, được tòa giao giám hộ con trai 9 tháng tuổi. Anh Khải không chấp hành giao con theo bản án ly hôn, ngăn vợ cũ thăm gặp con.
Ngày 24/4, anh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố về tội Không chấp hành án.
Trong phiên xét xử lần đầu ngày 26/6, chị Dương không được tòa triệu tập. HĐXX chấp nhận kiến nghị của VKS, hoãn phiên tòa tới 30/6 để triệu tập chị Dương và chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh nhằm đảm bảo tính khách quan.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bắc Ninh xin xét xử vắng mặt.
Trả lời việc không giao con cho vợ, dù bản án ly hôn có hiệu lực đã 10 tháng, anh Khải nói do vợ cũ không cho con đi tiêm chủng đầy đủ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bé.
"Anh có giao con cho vợ đâu mà chị ấy cho cháu đi tiêm được, anh cáo buộc có căn cứ gì không?", thẩm phán hỏi. Bị cáo Khải đáp: "Do tôi hỏi được".
Anh cho rằng vợ cũ "cố tình xin giấy xác nhận sốc phản vệ cho con để ngăn con tiêm chủng". Anh khai trì hoãn giao con để hoàn thành lịch tiêm chủng, và thấy vợ cũ không đảm bảo điều kiện chăm sóc.
"Cháu bé là con chung, có phải riêng của anh đâu. Anh thương con cũng như chị ấy thương con. Tại sao anh cứ nghĩ mình yêu con thì đúng mà vợ yêu con thì sai? Dương là người mẹ mang nặng đẻ đau, anh quy kết chị ấy bỏ tiêm chủng cho con, nghe có thấy hợp lý không?", chủ tọa Lương Trọng Thinh nói.
Ông phân tích, bản án có hiệu lực, nếu không đồng ý, anh có quyền khởi kiện thay đổi quyền nuôi con chứ không được tìm lý do trì hoãn. "Đang dở lịch tiêm thì bàn giao lại sổ tiêm chủng cho vợ, có phải mình anh biết đưa con đi tiêm không?", HĐXX nói.
Anh Khải khẳng định chỉ mỗi mình biết lịch tiêm chủng và các mũi nhắc lại nên cần thiết phải giữ con lại đến khi tiêm xong mới yên tâm.
Trước lời khai này, một hội thẩm nhân dân nhắc anh Khải cần có thái độ thành khẩn, vì quy định tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành. "Anh tự tin mình biết hơn cả Bộ Y tế?", vị này nói.
"Bản án có hiệu lực suốt 9 tháng, cưỡng chế anh không thi hành. Sau khi bị khởi tố gần một tháng sau anh mới giao con, chưa khởi tố thì anh vẫn chưa giao đúng không?", HĐXX thẩm vấn. Bị cáo đáp: "Lúc thấy yên tâm rồi thì tôi giao".
Đối chất về việc này, chị Dương khẳng định anh Khải nói sai sự thật. "Tám tháng đầu con ở với tôi, đều được tiêm chủng đầy đủ, sau đó anh ấy đưa con đi, thay đổi địa chỉ tiêm chủng, làm sao tôi cho con đi tiêm được nữa".
Chị Dương cho biết con xa mẹ khi còn quá nhỏ, cả mình và cháu bé đều thiệt thòi về sức khỏe và tinh thần, "nay chỉ muốn sống yên ổn, chăm con".
Phiên tòa kết thúc trong buổi sáng khi tuyên bản án 6 tháng tù treo với anh Khải. Mức phạt này thấp hơn khung truy tố (từ 3 tháng đến 2 năm tù) do hành vi của anh Khải được tòa cho rằng "ít nghiêm trọng".
Người cha tiếp tục khởi kiện
Sau phiên tòa hôm nay, mâu thuẫn việc chăm con của anh Khải và chị Dương chưa kết thúc.
Ngày 14/6, TAND thành phố Bắc Ninh đã thụ lý đơn của anh Khải trong vụ kiện dân sự đề nghị thay đổi quyền giám hộ để anh được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con.
Phân tích về động thái này của anh Khải, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) đánh giá, luật không hạn chế về mặt thời gian cũng như số lần xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Do vậy, về nguyên tắc, bất cứ khi nào anh Khải cho rằng có thể nuôi con tốt hơn thì đều có thể làm đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc tòa thụ lý đơn của anh Khải là đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Để yêu cầu được chấp nhận, anh Khải phải chứng minh được việc mình trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé sẽ tốt hơn so với chị Dương. Khi giải quyết yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, tòa án sẽ xem xét toàn diện nhiều mặt, đặc biệt các yếu tố của cha mẹ như điều kiện kinh tế, thu nhập, nghề nghiệp, chỗ ở, thời gian dành cho con, đạo đức, lối sống... để quyết định.
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ: cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con.
Thanh Lam