"Trong trường hợp của Pháp hay bất cứ nước nào liệt Panama vào danh sách đen, chính phủ sẽ phải phân tích tình hình và thực hiện chuỗi biện pháp, trong đó có thể có các biện pháp trả đũa", Reuters dẫn lời Alvaro Aleman, cố vấn cho Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, hôm qua nói.
"Chúng tôi sẽ không cho phép Panama bị các bên thứ ba dùng làm kẻ giơ đầu chịu báng", ông nói và cho biết thêm rằng tổng thống Panama đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao liên lạc với hàng chục nước liên quan.
Ông cho biết Panama sẵn sàng hợp tác trong bất cứ cuộc điều tra nào bắt nguồn từ vụ rò rỉ, nhưng nhấn mạnh chưa có công ty Panama nào được xác định phạm tội.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin hộm qua cho biết nước này sẽ đưa Panama trở lại danh sách các nước không hợp tác trong nỗ lực chống trốn thuế. "Pháp vừa quyết định đưa Panama trở lại danh sách các nước không hợp tác, với tất cả hậu quả sẽ đến với những người có giao dịch" với quốc gia Trung Mỹ, ông Sapin nói với quốc hội.
Pháp xóa Panama khỏi danh sách Các Quốc gia và vùng Lãnh thổ Không Hợp tác (ETNC) năm 2012, sau khi hai nước đạt được thỏa thuận song phương trong cuộc chiến với những kẻ trốn thuế.
Ngày 3/4, khoảng 11,5 triệu tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Chúng được cho là lập ra để giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính khách và người nổi tiếng trên thế giới.
Vụ bê bối gian lận thuế liên quan đến tài liệu mật bị phanh phui đã gây chấn động toàn cầu. Ít nhất hai quan chức cấp cao đã phải từ chức vì bị nêu tên trong Hồ sơ Panama, gồm Gonzalo Delaveu, chủ tịch tổ chức Minh bạch Quốc tế chi nhánh Chile, và Sigmundur David Gunnlaugsson, Thủ tướng Iceland.
Trọng Giáp