Ngày 24/9, đại diện Bệnh viện Quân Y 103 cho biết bệnh nhân vào viện ở giờ thứ 12 kể từ khi bị ong đốt, da có các vết ong đốt ở vùng đầu, cổ, cánh tay, đùi phải sưng đỏ, nước tiểu màu đậm, tình trạng rất nặng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm độc cấp, biến chứng suy đa tạng (tổn thương gan, thận, tiêu cơ vân, tan máu), nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân trước đó đã được đơn vị quân y cấp cứu và xử trí tương tự phản ứng phản vệ độ 2, gồm tiêm adrenalin bắp thịt, corticoid và đưa đến trung tâm y tế huyện. Các bác sĩ tiếp tục điều trị, bù dịch, lợi tiểu tuy nhiên bệnh nhân tiểu ra nước màu nâu sẫm nên chuyển Bệnh viện Quân Y 103.
Bệnh nhân được điều trị tích cực, lọc máu liên tục hỗ trợ chức năng các tạng, kiểm soát đông máu. Sau 3 ngày, người bệnh qua cơn nguy kịch, chức năng các tạng cải thiện, tình trạng tan máu, tiêu cơ vân thuyên giảm nhiều.
Nọc ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ, tổn thương thận nặng... Nếu không xử trí kịp thời, nạn nhân rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Trường hợp bị ong đốt một đến hai nốt, nạn nhân bình tĩnh sơ cứu và lấy nọc độc bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp gắp từng vòi ong ra (đối với loại ong để lại kim trên da sau khi chích người). Nạn nhân theo dõi sức khỏe tại nhà, khi có những dấu hiệu bất thường cần tới bệnh viện, tránh biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp bị ong vò vẽ đốt 5-10 nốt trở lên, hoặc chỉ vài nốt nhưng có dấu hiệu nặng như sưng đau, cảm giác khó chịu, mệt mỏi, hay bị đốt ở đầu, mặt cổ, cần vào bệnh viện càng sớm càng tốt để cấp cứu kịp thời.
Thúy Quỳnh