Người thợ vào Phòng khám S.O.S Phú Quốc khám, bắt theo con nhện thân dài 4 cm, sải chân 13 cm đã cắn mình để bác sĩ nhận biết loại độc tố và điều trị phù hợp.
Ngày 27/10, bác sĩ Đoàn Thanh Hiển, Trưởng phòng Khám nội Phòng khám S.O.S Phú Quốc, cho biết bệnh nhân nhiễm độc từ nhện cắn, tuy nhiên nơi này không có huyết thanh kháng độc nhện nên chỉ điều trị triệu chứng trên cơ sở phác đồ của Bộ Y tế.
Theo đó, các bác sĩ rửa vết thương cho bệnh nhân, tiêm thuốc tê ngăn độc di chuyển, truyền dịch, điều trị bằng các loại thuốc kháng viêm, chống dị ứng, giảm phù nề và giảm đau. Sau hai tiếng theo dõi, các triệu chứng thuyên giảm, bệnh nhân được về nhà.
Theo bác sĩ Hiển, con nhện cắn bệnh nhân có kích thước lớn nhất ông từng thấy. Toàn thân nhện nhiều lông, đầu dài, có hai răng nhọn, không rõ thuộc loại nào. Bệnh nhân kể con nhện nấp trong góc khuất tối bất ngờ cắn vào tay anh trong lúc sửa chữa điện.
Đây là bệnh nhân thứ hai bị nhện cắn điều trị tại Phòng khám S.O.S Phú Quốc trong mùa mưa năm nay. Bác sĩ Hiển cho biết nọc độc nhện thường có tính kiềm hoặc axit, tương tự nọc độc của loài ong. Khi chúng cắn sẽ gây bỏng tại vết thương, nhiễm độc trong cơ thể thông qua đường máu.
Bác sĩ Hiển khuyến cáo vào cuối mùa mưa, người dân cần cẩn thận khi ra ngoài, nên mang theo ủng, đồ bảo hộ tránh rắn, rết, nhện, côn trùng cắn. Đồng thời, người dân cần chủ động phát quang, dọn dẹp môi trường tránh côn trùng, rắn ẩn nấp gần nhà.
Ngọc Tài