Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Quái vật xuất hiện nhiều trong truyền thuyết và những bức tranh thời cổ đại. Chúng được mô tả với những bộ dạng khủng khiếp như có một cái mũi dài, hàm răng nhọn hoắt, phun nước giống như một con cá voi, nhưng lại có chân giống như cái mái chèo lớn, cơ thể được bao bọc bởi lớp da cứng, nhăn nheo và gồ ghề hoặc phủ đầy lông lá... Đó là sự thêu dệt hay thực tế? Để tìm hiểu về những điều này, người ta đã cho ra đời môn học có tên Động vật học bí mật.
Những quái vật dưới nước
Dòng thủy quái được cho là sống ở những hồ nước lớn và sâu được các nhà nghiên cứu động vật học bí mật xếp vào loại quái vật hồ. Nổi tiếng và chứa đựng nhiều bí ẩn nhất phải kể đến con quái vật hồ Loch Ness, phố Inverness (Scotland). Quái thú này có tên là Nessie hay Ness, được xếp vào hạng quái vật hồ chưa xác định.
Câu chuyện về một con quái vật đáng sợ sinh sống tại hồ sâu 200 m này đã được lưu truyền trong nhiều thế kỷ. Nessie được mô tả là sinh vật màu đen, có thân hình đồ sộ, dài hàng chục mét và chiếc cổ rắn cao loằng ngoằng. Rất nhiều nhân chứng đã kể lại về những lần giáp mặt quái thú này, họ còn cung cấp cả những tấm ảnh, đoạn phim ghi lại dấu vết của nó.
Có một dòng quái vật cũng được ghi chép và bàn luận nhiều, đó là quái vật biển. Chúng được mô tả ở khắp nơi, từ trên những huy hiệu, tượng đài đến khung ảnh của thủy thủ.
Nhiều tài liệu của những người đi biển nói đến loài sinh vật khổng lồ và kỳ quái bất ngờ xuất hiện bên cạnh thuyền, thường là trong lúc thời tiết xấu, trời đang sóng to, gió lớn. Chúng cư ngụ dưới biển sâu, thường có kích thước rất lớn, hình dạng giống loài rắn, hoặc có nhiều chân tay dạng bạch tuộc, đôi khi có hình của sư tử, thậm chí có nhiều đầu, thân hình nhầy nhụa hoặc đóng vảy, phun nước phì phì, thoắt ẩn thoắt hiện. Nhiều vụ đắm tàu một cách bí ẩn trong quá khứ được cho là do thủy quái gây ra.
Mới đây, các ngư dân ở khu vực bờ biển Los Muermos, gần thủ đô Santiago (Chile) đã phát hiện một xác chết của thủy quái dài tới 12 m và nặng hơn chục tấn dạt vào bờ. Cái xác còn khá nguyên vẹn với hình dạng rất kỳ dị. Thoạt nhìn, nó giống như một tảng cao su khổng lồ có hình dạng của một con cá voi bẹp dúm. Nhưng khi nghiên cứu kỹ, người ta kết luận nó là loài không có xương sống dạng bạch tuộc. Các nhà nghiên cứu về động vật học bí mật cho rằng, mẫu vật này rất giống với tiêu bản của một quái thú ở tiểu bang Florida (Mỹ) được phát hiện vào năm 1896.
Tương tự, tại vùng biển hoang vắng Xakhalin của nước Nga, người ta đã tìm thấy xác một thủy quái có hình dạng kinh dị giống như những mô tả trong truyền thuyết. Nó có một đôi mắt lồi to, mỏ dài và đầy những răng sắc nhọn, mang một cái đuôi giống cá sấu nhưng trên người lại bao phủ một lớp lông dày và cứng giống như loài thú rừng. Ngay cả các nhà khoa học hàng đầu của Nga cũng chưa dám khẳng định con vật thuộc giống gì. Nó không phải cá dưới nước, không phải thú trên bờ, cũng không phải loài bò sát hay động vật lưỡng cư.
Quái vật trên không trung và trong rừng thẳm
Truyền thuyết về những quái vật giống như những con chim lửa khổng lồ, những con rắn, rồng có khả năng vừa bay lượn vừa phun lửa phì phì được ghi nhận từ thời La Mã cổ đại. Tưởng chừng như đó chỉ là những câu chuyện thêu dệt, nhưng gần đây người ta phát hiện ra nhiều bằng chứng cho thấy, có thể những loài quái vật biết bay đó là có thật.
Vào tháng 9/1891, tại Crawfordswille (Mỹ), nhiều người đã tận mắt nhìn thấy một con rắn lửa dài hơn chục mét bay lượn trên bầu trời quảng trường trung tâm thành phố. Mắt rắn đỏ rực và sức nóng từ hơi thở của nó tỏa ra ở phạm vi lớn. Những sinh vật tương tự được nhìn thấy trên bầu trời bang Indiana vào thập niên 1960-1970. Có nhiều nhân chứng xác nhận, chính loài quái vật này đã gây ra hàng loạt vụ cháy rừng tại Trung Mỹ khoảng chục năm sau đó. Thậm chí, chúng được cho là nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay bí hiểm nhất trong lịch sử hàng không Mỹ năm 1939, làm 12 quân nhân tử nạn vì những vết bỏng kỳ lạ trên cơ thể.
Một trong những bí ẩn lớn nhất về loài sinh vật kỳ lạ sống trên cạn được đặt tên là Bigfoot (những dấu chân to). Trong khu vực đại ngàn thuộc dãy Hymalaya, người ta đã phát hiện ra những dấu chân bí hiểm được cho là của những sinh vật khổng lồ có hình dạng và trí thông minh giống con người. Cùng với những dấu vết của Yeti (Người tuyết) tìm thấy trước đó, Bigfoot là một bài toán đến nay chưa có lời giải.
Các nhà khoa học nói gì?
Mới đây, người ta đã phát hiện ở khu vực hồ Loch Ness những đốt xương sống hóa thạch của một loài khổng lồ. Kết quả kiểm tra cho thấy đó là xương của loài khủng long Plesiosaur dài chừng 11 m sống cách đây 150 triệu năm.
Tuy chưa tìm ra sự liên hệ giữa hóa thạch đó với quái vật Nessie, nhưng đã có những giả thiết táo bạo cho rằng tuy loài khủng long đã tuyệt chủng, nhưng biết đâu đó, ở điều kiện đặc biệt của hồ Loch Ness, đã tồn tại một chi nhánh nào đó có khả năng thích nghi môi trường mà hậu duệ của nó chính là quái vật Nessie.
Để làm rõ hơn, các nhà khoa học đã đặt các máy quay giám sát hồ 24 giờ liên tục và nhiều nhóm thợ lặn thường xuyên sục sạo khắp lòng hồ nhằm tìm sinh vật kỳ lạ trên. Tuy nhiên, quái vật vẫn bặt vô âm tín. Hầu hết chuyên gia nói rằng, bằng chứng về Nessie không có sức thuyết phục, và đó chỉ là ảo giác hoặc giả mạo nhằm dựng nên những chuyện giật gân.
Các nhà khoa học cũng lý giải rằng, ở dưới vùng biển sâu, có thể có những loài sinh vật hình dạng đặc biệt do phải thích nghi trong điều kiện sống khắc nghiệt. Tuy nhiên, chúng chỉ là những loài cá mập hay mực khổng lồ. Nhưng do tác động của khúc xạ ánh sáng và trạng thái thần kinh căng thẳng của những người đi biển lâu ngày, họ tưởng rằng mình đã gặp những loài thủy quái kinh dị.
Nhưng có nhiều điều mà các nhà khoa học muốn phủ nhận quái vật vẫn chưa lý giải được: xác của những quái vật dưới nước, vết chân khổng lồ trong rừng sâu, hay những quái vật biết bay. Có giả thiết cho rằng, chúng không chỉ liên quan đến những loài cổ thú tồn tại trong quá khứ mà thậm chí, đó có thể là những “sinh vật cảnh” của người ngoài hành tinh nuôi thả vào trái đất.
Dù sao thì tự nhiên vẫn luôn ẩn chứa những bí mật và những câu chuyện về quái thú vẫn ngày càng dày lên theo thời gian mà chưa có lý giải nào là thỏa đáng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)