![]() |
Ông J. D. Baudy. |
Không gì tồi tệ hơn là sống mà như đã chết. Sống thực vật chính là trạng thái ấy. Ống truyền dịch và ôxy đang neo họ lại với cuộc sống thoi thóp. Có thể họ đã hôn mê, mất hết ý thức chăng?
Không! Trường hợp của ông J. D. Baudy, cựu Tổng biên tập tạp chí Elle của Pháp, không phải như vậy. Mặc dù sống trong trạng thái thực vật 6 tháng, đầu óc ông vẫn còn tỉnh táo, thậm chí bằng những cái nháy mắt trái, người ta còn đọc được ý nghĩ của ông và giúp ông trước khi chết viết được tác phẩm mang tên “Le scaphandre et le papillon” (Những suy nghĩ bay bổng bị nhốt trong một bộ áo giáp lặng). Tác phẩm hồi tưởng lại cuộc đời mình của J. D. Baudy xuất bản trước khi ông chết mấy ngày, được dịch ra 23 ngôn ngữ. Lần đầu tiên, người ta biết được điều gì đã xảy ra trong tâm tư của người mà coi như đã “chết”, nhưng thật lạ kỳ, là còn minh mẫn, nghe được và hiểu được những lời bàn tán của những người xung quanh mà ý đồ đôi khi có thể làm đau lòng nạn nhân trước khi chết.
Bệnh của ông Bauby, còn gọi là hội chứng bị nhốt trong tiềm thức hay “Locked-in syndrome”, là một dạng tai biến tắc nghẽn mạch máu rất hiếm, vì trong 1.200 ca tai nạn tắc nghẽn mạch máu não này ở bệnh viện mà Bauby đang nằm, chỉ có ông là trường hợp duy nhất.
Tâm hồn sống trong vỏ bọc “chết”
Trong hội chứng này, tai nạn trầm trọng là vì cục máu đông đã làm nghẹt động mạch đem máu đến nuôi hành tuỷ, vùng ở đầu tuỷ sống và nằm trước tiểu não, nơi có nhiệm vụ nối vỏ não với tuỷ sống. Ở đây, không còn ôxy nuôi dưỡng, các trung tâm thần kinh bị chết nên không truyền được các lệnh từ vỏ não đến thân thể. Hậu quả là bị liệt tứ chi và mặt. Nạn nhân không nhúc nhích, không ăn uống và không nói được, mà chỉ nháy được mí mắt trái và nhướng mắt lên mà thôi. Nhưng vì vùng não bị hư hại tập trung ngay dưới vùng não có khả năng tri thức, nên người này vẫn còn ý thức được điều mình suy nghĩ, nghe được rõ ràng và thấy được bình thường. Để ý đến chuyển động mắt của họ mới tin là nạn nhân không bị hôn mê và còn tỉnh táo.
Một vài trường hợp đặc biệt hiếm, nạn nhân có thể khá hơn sau vài tuần cứu chữa vớt vát, nhưng sau đó trở lại vô vọng vì một số tế bào đã chết.
Theo nguyên tắc, bệnh nhân có thể sống thêm nhiều năm vì các bộ phận sống hoạt động độc lập. Nhưng thực tế họ đều chết vì những biến chứng phát sinh sau đó. Hiện tại chưa có cách điều trị bệnh này. Tuy nhiên, nếu có trường hợp này xảy ra, cứ đem bệnh nhân tức khắc đến bệnh viện, ở đó chuyên viên sẽ dùng tăng cường thuốc chống đông máu, để làm tan các cục máu đông, nguyên nhân làm tắc nghẽn nói trên.
Tác phẩm công phu
Sau khi cuốn “Le scaphandre et le papillon” được công bố, người ta biết công trình này là do một chuyên viên ngữ âm của bệnh viện thực hiện như sau: trước một hàng chữ sắp theo thứ tự ưu tiên ESARINTULOMDPCFBVHGJQXYXKW, chuyên viên sẽ chỉ lần lượt vào mỗi chữ trên hàng chữ này. Nếu đồng ý chữ nào, Bauby sẽ nháy mắt một cái, là chữ đó được ghi. Cứ như vậy các chữ chọn được sắp thành từ, thành câu, thành đoạn và thành sách.
Trong tác phẩm này, tác giả cho biết mình đang đi xe hơi với một tài xế thì đột nhiên thấy khó chịu, rồi được đưa vào viện, sau 20 ngày hôn mê, ông tỉnh lại suốt 6 tháng trước khi chết, nhưng mất hết mọi khả năng giao tiếp bình thường với bên ngoài.
Phần lớn câu chuyện trong sách là nói đến sự luyến tiếc cuộc sống, so sánh và tủi hổ thân phận mình với con cóc hoạt hình mà tác giả thấy trên tivi, tưởng tượng mình là nhân vật bệnh hoạn Noirtier de Villefort trong tác phẩm Bá tước Monte Cristo của A. Dumas. Tác giả cuốn sách gán bộ mặt của những người sáp trong viện bảo tàng Gevin với những nhân viên hiền lành, dữ tợn, vô tình, nhạy cảm hay lười biếng ở bệnh viện mà ông tiếp xúc. Ông cũng nhớ về ông bố 94 tuổi bị nhốt kín, không phải trong tiềm thức như tác giả, mà cô đơn một mình trên gác xép; nhớ về những lời cầu xin thần thánh của bạn bè, cách cư xử tích cực và đôi khi cũng tắc trách, vô tình của vài vị bác sĩ trước nỗi đau về thể xác. Cựu tổng biên tập còn bực tức vì tiềm thức bị nhốt kín trong một thân xác không có phản ứng ngoài cái nháy mắt trái khó nhận thấy.
Tác phẩm không có gì xuất chúng, nhưng tác giả của nó là nhân chứng sống đầu tiên về bí mật trong tiềm thức của một người sống thực vật.
SK&ĐS (Theo Eureka)