Trên nền phông xanh màu bộ đội trong một homestay ở ngoại thành Hà Nội hôm 29/3, nổi bật dòng chữ "Thanh Toan - Thị Mận (1978-2023) 45 năm chung một chiến hào". Gần 20 con cháu chỉ mong chờ khoảnh khắc bố mẹ nhìn thấy hình ảnh này.
"Bố nói gì đi", những người con thúc giục. "Bố không biết nói gì cả", người đàn ông ngoài 70 tuổi nghẹn ngào.
Chị Luyến Morrison (người con cả) chia sẻ 5 năm trước bố chị, ông Nguyễn Thanh Toan phát hiện một loạt bệnh tuổi già nên bỗng nhiên như trở thành con người khác. Ông đãng trí, lầm lì, suy nghĩ tiêu cực. Ông mua thuốc trên mạng, chê thuốc bác sĩ kê đơn, khiến sức khỏe trầm trọng hơn.
Mẹ chị từ một người yếu đuối, làm hậu phương nay trở thành trụ cột. Từ chỗ tin bố tuyệt đối, mẹ phải giám sát, canh chừng, nhiều lúc phải đổ bỏ hoặc giấu thuốc ông mua đi. "Mẹ luôn tỏ ra mạnh mẽ, nhưng tôi biết nhiều lúc bà như muốn gục ngã", chị Luyến kể.
Tình hình của bố mẹ khiến cả bốn người con lo lắng. Chị Luyến đang định cư ở Australia quyết định về Việt Nam nhiều hơn để dẫn các cụ đi chơi. Qua mỗi lần, tinh thần và sức khỏe của ông chuyển biến tốt hơn, vui vẻ trở lại.
Cuối tháng 3 vừa qua, chồng con chị Luyến muốn về Việt Nam. Chị nhớ ra đây cũng đúng dịp 45 năm ngày cưới của bố mẹ. Nhớ tâm sự của mẹ "ngày xưa cưới nhau không được trang điểm, mặc quần áo đẹp như bây giờ", chị nảy ý tưởng làm điều bất ngờ cho ông bà.
Người chị cả bàn với các em kế hoạch tổ chức lại đám cưới cho bố mẹ và được hưởng ứng. Kế hoạch ban đầu là dẫn bố mẹ đi mấy tỉnh miền Bắc và tổ chức lễ kỷ niệm tại một khách sạn nào đó. Các em và cháu sẽ bí mật có mặt làm ông bà bất ngờ.
Tuy nhiên trong quá trình khai thác ngày cưới năm xưa, các con nhận ra việc tổ chức ở tỉnh khác có thể không giống như hồi ức của bố mẹ. Vào phút chót, họ tìm được một homestay có phong cách làng quê Bắc Bộ xưa gần nội thành Hà Nội, rất phù hợp để tổ chức.
"Quyết định địa điểm và lên ý tưởng chỉ cách buổi lễ 48 tiếng. Tất cả 8 anh chị em dâu rể mỗi người một việc", anh Nguyễn Ngọc Trìu, người con thứ hai cho biết.
Họ nói với bố mẹ nhân dịp gia đình chị Luyến về Việt Nam và đại gia đình đều có mặt đông đủ nên tổ chức một buổi dã ngoại, ăn với nhau một bữa cơm, cùng chụp những tấm ảnh gia đình. Cặp vợ chồng già hưởng ứng nhiệt tình.
Một nhóm dẫn ông bà đi mua quần áo đẹp. Một nhóm khác lo tìm các vật dụng xưa và cố gắng tái hiện lại hôn lễ thời bao cấp. Tận dụng căn phòng đã bài trí sẵn ghế gỗ và một số vật dụng cổ, họ mua thêm những tấm rèm cửa màu xanh bộ đội làm phông cưới, trang trí thêm vải chăn con công, hoa, chiếc đài cũ, bình ủ trà. Mấy hộp quà cưới được bọc trong giấy báo cũ. Những tấm ảnh gia đình về một thời gian khó được lựa chọn in ra.
Hôm đó ông Toan được giao nhiệm vụ trông 8 đứa cháu, mục đích để không phát hiện việc con cái đang làm. Bà Mận được đưa đi trang điểm, làm tóc cùng các con gái để "chụp ảnh gia đình". Sốt ruột vì vợ đi lâu, ông Toan đi tìm. Thấy bà mặc áo dài, trang điểm, tóc cài hoa, ông đùa: "Hôm nay mình làm cô dâu à, để chú rể đi đón nào".
Cô con gái út chớp cơ hội đưa cho bố bó hoa cầm tay. Cả nhà đi quanh khuôn viên để chụp ảnh. Đến trước ngôi nhà ba gian giống nhà mình năm xưa, các con rủ bố mẹ đi vào. Lúc này điều bất ngờ xuất hiện.
"Tôi chỉ nghĩ đi dã ngoại bình thường, cho đến khi bước vào phòng tôi mới nhận ra bất ngờ của các con", ông Toan chia sẻ.
Những bức ảnh còn ghi lại, bà Mận cười từ đầu tới cuối buổi kỷ niệm còn ông xúc động, đôi lúc không ngăn được những giọt nước mắt. "Các con đã giúp bố làm được điều mà bố luôn muốn làm cho mẹ con", ông chia sẻ sau buổi lễ.
Ông Toan và bà Mận người gốc Thái Bình, thời trẻ ở cạnh làng nhau. Trong một lần ông về phép hai tuần, họ quen nhau. Tình yêu được vun đắp qua những lá thư tay ít ỏi anh bộ đội ở miền Nam gửi cho bạn gái quê nhà. Một năm sau họ nên duyên vợ chồng. Anh lính trẻ bên vợ được một tuần rồi lại lên đường biền biệt. Ba năm sau ông trở về, họ mới chính thức có cuộc sống vợ chồng và các con cái lần lượt ra đời.
Trong buổi kỷ niệm 45 ngày cưới, mọi người đều xúc động, ngay cả các cháu cũng nhiệt tình hưởng ứng. Bốn người con của ông Toan đều đứng lên nói lên tình cảm và lòng biết ơn dành cho bố mẹ.
Chị Luyến kể lại những ngày xưa của năm 1990, bố chở các con luồn lách qua các con đường nhỏ ở Hà Nội để thi đại học. Mẹ dầm dãi ngoài đồng, đêm về còn thức gói từng cái bánh, nắm từng nắm cơm gửi lên thành phố cho con. "Không có bố mẹ và những ngày tháng gian khó đó, các con sẽ không có được hạnh phúc như hiện tại", chị Luyến nói.
Phan Dương