Các chuyên gia di truyền của Viện Tế bào và Di truyền học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga giải mã được cơ chế của việc thuần hóa động vật nhờ tìm thấy trong một con cáo nâu-đen thuần hóa một loại nhiễm sắc thể chịu trách nhiệm về "hành vi theo lệnh tay". ADN ở nhiễm sắc thể cáo giống hệt như trong nhiễm sắc thể của chó, loài vật trong quá trình tiến hóa đã từ chó sói được con người thuần dưỡng thành chó nhà.
Trong thí nghiệm giải mã bộ gen của con cáo nâu-đen thuần dưỡng trên, các nhà khoa học ghi nhận các chuỗi ADN liên tiếp chung giữa nó và loài chó. Sau đó, hơn một nghìn con vật tại trang trại chăn nuôi được tiến hành thí nghiệm kiểm tra hành vi.
Kết quả, các nhà khoa học phát hiện thấy sự gắn kết giữa cáo với con người là do tác động của các gen nằm ở khu vực nhiễm sắc thể thứ 12.
Những gen này có họ hàng với gen nhiễm sắc thể số 5 của chó, vốn đã giúp loài sói hoang dã cuối cùng biến thành vật nuôi thân thiện trong nhà. Những đặc tính di truyền này phân định chức năng thần kinh của động vật.
Giáo sư Lyudmila Trut, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét con cáo thuần hóa và con chó thông thường rất gần gũi với nhau theo xu thế tiến hóa của cấu trúc cơ thể.
Ông cũng cho biết sau khi đã xác định được những gen chịu trách nhiệm về quá trình thuần hóa của động vật hoang dã, các nhà khoa học Nga đang tiếp tục tìm kiếm những cơ chế phân tử được hình thành trong quá trình thuần hóa.
Các nhà khoa học Nga cũng đã phát hiện ra rằng bên cạnh những thói quen "hoang dã tự nhiên," thú nuôi luôn có những biểu hiện thể hiện tình cảm dành cho người.
Chúng phát ra những tiếng kêu mừng rỡ khi nhận thấy sự hiện diện của những người quen, tai và đuôi trong tư thế thoải mái chứ không căng thẳng và chúng giảm bớt khả năng tấn công người lạ.
Nếu tiếp tục thuần hóa thêm, những con thú như vậy có thể giữ trong nhà y như vật nuôi.
Kết quả nghiên cứu đã giúp trả lời câu hỏi tại sao một số loài động vật được thuần hóa, trong khi những loài khác vẫn giữ nếp hoang dã bất chấp mọi nỗ lực cải tạo của con người.
Theo TTXVN