Nhưng điều tôi háo hức nhất trong đêm giao thừa lại nằm ở việc diễn ra sau đó - xông đất. Đúng lúc bà cúng gia tiên xong thì người hàng xóm đi vào. Từ khi bước vào cổng đã cất tiếng chúc to, rõ ràng, mạch lạc. Thường là những lời chúc tốt đẹp nhất dành cho gia chủ. Sau đó họ đi vào nhà, trên tay mang một bình gốm nhỏ. Đây là loại bình mà thường ngày người dân quê tôi dùng để đựng hạt giống như đỗ xanh, lạc, vừng...
Nhưng chiếc bình dùng để xông đất cho năm mới có đất, nước và cả hạt giống nữa. Khi họ vào tới nhà, mẹ tôi đón họ ở cửa và dẫn họ vào trong buồng (buồng được coi là nơi kín đáo nhất trong ngôi nhà cấp 4 ở quê). Ở trong buồng, người xông đất trao cho mẹ tôi chiếc bình gốm rồi ra bàn uống nước, chúc Tết gia chủ. Mẹ tôi sẽ ở trong đó một lúc để chọn chỗ cất giấu bình gốm, xong xuôi mẹ mới đi ra. Sau đó cả nhà tôi ăn cỗ cúng, chúng tôi được mừng tuổi, ăn kẹo, xem TV cho đến khi ngủ hẳn.
Đêm giao thừa thuở bé của tôi năm nào cũng trải qua như thế. Đầy đủ sự linh thiêng, đầy đủ không khí gia đình ấm cúng, đầy đủ niềm vui, đặc biệt có cả sự tò mò chưa bao giờ được thỏa mãn. Tại sao lại chỉ có bà mới thắp hương cúng tổ tiên? Tại sao giao thừa lại nổ pháo? Tại sao lại mang bình gốm đi xông đất và bình gốm đó mẹ cất ở đâu? Để làm gì?... bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra trong đầu tôi.
Bây giờ, tôi đã có thể lý giải được nhiều câu hỏi ở trên. Quê tôi là đồng bằng Bắc bộ, người làng tôi sinh sống bằng nghề trồng cấy. Đất, nước, hạt giống là những thứ khởi đầu cho sự sống, là tài sản căn bản cho mỗi người sinh nhai bằng nghề trồng cấy. Vì thế nên nó rất quan trọng với mỗi gia đình và được mọi người truyền tay nhau để cất giữ và nhân lên. Thế nên quê tôi mới có tục lệ xông đất rất khác lạ như trên.
Bây giờ tục lệ này không còn nữa. Mọi nhà đều xông đất vào ngày mùng một và không ai còn mang bình gốm sang nhà nhau xông đất nữa. Một phong tục đẹp như thế có lẽ cũng cần thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại chăng?
Việc còn hay mất của một phong tục Tết có lẽ nằm ngoài sự lý giải còn hạn chế của tôi. Tôi chỉ biết chắc rằng, năm nào gần đến Tết, tôi cũng nhớ đến phong tục này. Tôi thầm ước rằng, một ngày nào đó, tôi có thể tái hiện nó bằng hình ảnh, bằng những thước phim sinh động để chia sẻ cùng mọi người.
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
hoaiptt