Khi còn là một cậu bé, cha của Bolt từng đưa anh tới cầu cứu một bác sĩ vì lo ngại khi thấy con trai cứ chạy loăng quăng cả ngày. Cha của Bolt lúc ấy thật sự muốn bác sĩ, bằng cách nào đó, giúp con trai của ông thôi chạy hoặc tối thiểu, chạy ít đi và chậm hơn.
Viên bác sĩ, sau khi khám kỹ, khẳng định với cha của anh, ông Gideo Bolt rằng Usain Bolt chỉ đơn giản là một đứa trẻ hiếu động trên mức bình thường và cần phải chạy thật nhiều để đốt bớt năng lượng.
Bolt, từ cậu bé nông thôn nghèo hiếu động, giờ là kỷ lục gia vĩ đại của làng điền kinh chạy cự ly ngắn thế giới. |
Cậu nhóc hiếu động ngày nào giờ là siêu sao nổi tiếng toàn cầu với biệt danh "Tia chớp Jamaica". Và hôm nay, Usain Bolt sẽ khắc sâu hơn nữa tên anh vào lịch sử môn điền kinh và Thế vận hội nếu tiếp tục chiến thắng ở chung kết chạy 200 mét.
Chưa có một vận động viên nào bảo vệ thành công chiếc HC vàng Olympic ở cả hai nội dung chạy 100 mét và 200 mét. Bolt đã đi được một nửa đường, đang tiệm cận kỳ tích vô tiền khoáng hậu ấy.
Trên đường chạy 100 mét hôm chủ nhật tuần trước, Bolt lập kỷ lục mới của Olympic với thành tích 9 giây 69. Còn hôm qua, dù thi đấu không quá ấn tượng, anh vẫn xếp nhất nhánh bán kết để giành quyền vào chung kết chạy 200 mét hôm nay.
200 mét chính là nội dung sở trường, ưa thích của Bolt. Ngôi sao 25 tuổi từng nhiều lần thổ lộ, chỉ khi chiến thắng, đoạt HC vàng ở nội dung này, anh mới có thể thảnh thơi với sứ mạng ở London 2012.
Lịch sử điền kinh chưa từng chứng kiến một trường hợp nào tương tự Bolt và có lẽ sau này vẫn thế. Anh thách thức quy luật logic khi thi đấu thành công bất chấp bị chứng vẹo xương sống. Xương sống của Bolt hơi cong về bên phải, đồng nghĩa với việc một chân ngắn, một chân dài.
Ngoài ra, chiều cao 1 mét 95 cùng khổ chân 13 của Bolt cũng không phải là những chỉ số lý tưởng cho các vận động viên chạy cự ly ngắn.
"Không ai có thể lý giải vì sao tôi có thể chạy nhanh đến thế. Có lẽ, tôi là một quái vật, có lẽ chứng vẹo xương sống đã giúp ích tôi, tôi không biết nữa. Nhưng tất cả kết hợp lại cùng nhau thì cho kết quả tích cực", Bolt nói về thành công của anh trên đường chạy.
Ngoài những đặc điểm cơ thể và năng khiếu trời cho, thành công của Bolt còn đến từ việc anh có một đội ngũ hậu cần hiệu quả giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Người quản lý Norman Peart trở thành cố vấn của Bolt khi anh, ở tuổi 17, lần đầu rời quê hương nông thôn lên thủ đô Jamaica, Kingston để phát triển sự nghiệp.
Peart sau đó tuyển mộ Ricky Simms, một người Ireland, làm đại diện cho Bolt. Cũng chính Peart tiến cử Bolt với Glens Mills, HLV về sau biến anh thành một hiện tượng trên các đường chạy cự ly ngắn.
Ngay lúc mới cộng tác với nhau, Mills đưa Bolt đi kiểm tra vấn đề ở xương sống mà anh luôn than phiền ở cơ sở của bác sĩ người Đức Hans Muller-Wohlfhart, vị chuyên gia đầu ngành về y học thể thao và nổi tiếng với biệt danh "Thần y" nhờ từng chữa trị, cứu vớt sự nghiệp của nhiều ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới.
Wohlfhart tiếp thêm niềm tin để Bolt lạc quan rằng bất chấp vấn đề ở xương sống, anh vẫn có thể là ông vua trên đường chạy điền kinh. Kể từ đó, Bolt, theo định kỳ, bay sang Munich để gặp, nhờ Wohlfhart khám, tư vấn. Đến giờ, anh vẫn nói về chuyên gia người Đức như là "vị bác sĩ giỏi nhất thế giới, một nhân cách thật sự vĩ đại".
Người cuối cùng, nhưng có lẽ là quan trọng nhất trong đội ngũ hậu cần của Bolt là NJ Walker, bạn thân với anh từ thuở niên thiếu. Walker là cố vấn và là điểm tựa tinh thần vững chãi cho Bolt. Cùng nhau, họ thảo luận về mọi cuộc thi đấu, mọi vấn đề Bolt đối mặt và anh luôn tin tưởng tuyệt đối ở Walker. Cả hai không giấu diếm nhau bất kỳ điều gì.
Thành công và danh vọng của Bolt hiện tại xuất phát từ việc anh may mắn được cộng tác với những người hỗ trợ phù hợp, điển hình như HLV Glen Mills. |
Walker thì chưa bao giờ nghi ngờ ở việc Bolt trở thành siêu sao của làng điền kinh thế giới, dù chính Bolt có lúc cũng chẳng dám tin chắc ở điều đó.
"Khi mọi người nói rằng Bolt quá cao để trở thành một vận động viên chạy nước rút, tôi nói với cậu ta rằng đừng quan tâm tới những lời rác rưởi", Walker chia sẻ với tờ Sun (Anh). "Khi Bolt nghĩ rằng cậu ta sẽ không thể chạy nữa vì vấn đề ở lưng, tôi bảo Bolt hãy nghĩ tích cực. Tôi luôn cố thuyết phục Bolt vượt qua mọi trở ngại và cậu ấy đã làm được".
Bốn năm trước tại Thế vận hội Bắc Kinh, Bolt đoạt ba HC vàng, 100 mét, 200 mét và tiếp sức 4x100 mét, lập kỷ lục thế giới và Olympic vào thời điểm đó ở cả nội dung. Năm 2009, tại giải vô địch điền kinh thế giới ở Berlin, Bolt lập tiếp hai kỷ lục thế giới mới trên đường chạy 100 mét và 200 mét.
Tuy nhiên, Walker xem phần thi chung kết 200 mét hôm nay mới là sự kiện lớn nhất sự nghiệp của Bolt. "200 mét luôn là ưu tiên lớn của Bolt. Năm 2008, chúng tôi đều mơ ước Bolt sẽ đoạt HC vàng Thế vận hội, nhưng là ở cự ly 200 mét chứ không phải 100 mét. Khi Bolt xô đổ kỷ lục 19 giây 32 thuộc về Michael Johson ở Bắc Kinh, chúng tôi hạnh phúc chưa từng thấy, vì khi đó mọi người đều tin rằng kỷ lục ấy sẽ không thể bị xô đổ", vị cố vấn của Bolt nhớ lại.
Chinh phục HC vàng là mục tiêu số một của Bolt khi chạy chung kết 200 mét hôm nay, nhưng anh còn muốn lập thêm một kỳ tích nữa. "Tôi mơ trở thành người đầu tiên trên hành tinh chạy 200 mét dưới 19 giây".
Sau những gì anh đã thể hiện trên đường chạy 100 mét, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của đội ngũ hậu cần, hôm nay, Bolt đang rất tự tin sẽ hiện thực hóa giấc mơ lớn ấy.
Phương Minh