"Tôi chưa đến hộp đêm bao giờ. Tôi chỉ là công nhân bình thường, làm gì có tiền đến những chỗ này", Zhao cho biết. Bữa tiệc dành cho khoảng 300 người này là một trong những lý do tại sao Xiaomi có thể leo lên vị trí dẫn đầu trong thị trường smartphone Trung Quốc. Họ đã đánh trúng tâm lý muốn tăng địa vị xã hội của lượng lớn giới trẻ nước này.
Xiaomi bán những chiếc smartphone giống Apple và Samsung ở rất nhiều phương diện, nhưng giá chỉ bằng một nửa. Họ đã trở thành hãng smartphone lớn thứ 5 thế giới năm ngoái và là hãng khởi nghiệp giá trị nhất toàn cầu, theo tính toán của Wall Street Journal, với 46 tỷ USD.
Một phần nguyên nhân thành công của Xiaomi là giúp khách hàng cảm thấy họ thuộc nhóm độc nhất, bằng cách tổ chức các bữa tiệc cho khách trên khắp Trung Quốc với tần suất vài tuần một lần. Xiaomi đang cố gắng chứng minh mô hình này có thể hoạt động trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc này đặc biệt thách thức. Hãng thành công một phần nhờ khách hàng có cảm giác tự hào dân tộc khi Xiaomi là thương hiệu toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc thực sự đang đi tiên phong.
Khách hàng của Xiaomi thường gửi cho nhà sáng lập - Lei Jun các món quà thủ công. Chúng được ông bày ngay tại trụ sở công ty ở Bắc Kinh. Wang Wenyong - một người tham gia buổi tiệc ở trên cho biết anh thích Xiaomi một phần vì đây là thương hiệu trong nước.
Lei từng tuyên bố không chỉ muốn Xiaomi trở thành hãng smartphone lớn nhất thế giới trong một thập kỷ. Ông còn muốn mang tất cả đồ dùng hiện đại đến với người tiêu dùng tại các nước đang phát triển với giá rẻ, từ TV đến bóng đèn.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả sản phẩm của chúng tôi đều tốt như thế này? Nếu Trung Quốc không cần phải ghen tị với đồ Đức và Nhật Bản nữa thì sao?", Lei cho biết trên WSJ.
Tại nước ngoài, thị phần của Xiaomi vẫn còn rất nhỏ. Tại Malaysia và Philippines - nơi Xiaomi đã hoạt động gần một năm, thị phần của hãng chỉ là 4,4% và 0,3%, theo hãng nghiên cứu IDC.
Đến nay, hãng này vẫn ưu tiên tương tác với khách hàng không phải bằng quảng cáo, dù là ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này đang là một thách thức, do độ nhận diện thương hiệu thấp và nguồn cung sản phẩm hạn chế. Tài khoản của Xiaomi trên Weibo hiện có 10,7 triệu người theo dõi. Trong khi đó, trang Twitter có 59.000 lượt và Facebook tại Indonesia có 64.000 lượt. Số lượt bình luận từ nước ngoài khá ít. Rất nhiều người còn bày tỏ sự giận dữ vì nguồn cung hạn chế.
Phương pháp tiếp cận trên truyền thông xã hội này khá phổ biến với các doanh nghiệp mới. Nhưng khi thương hiệu lớn mạnh, các công ty cần sử dụng các biện pháp truyền thống hơn, như quảng cáo trên truyền hình, để tăng độ nhận diện.
Tuy vậy, Xiaomi vẫn rất kiên trì áp dụng. "Về công thức thành công, có một số thứ đã là chung trên toàn cầu rồi. Ưu tiên hàng đầu là hiểu rõ khách hàng và kết bạn với họ, thay vì nói chuyện với họ trong tư cách một thương hiệu", Amanda Chen – Giám đốc Marketing Quốc tế tại Xiaomi cho biết.
Những phương pháp này được Xiaomi áp dụng từ trên xuống dưới. Các lãnh đạo cấp cao cũng dành thời gian gặp gỡ trực tiếp khách hàng và trả lời các câu hỏi của họ trực tuyến. Những khách hàng này sẽ giúp họ marketing miễn phí, từ đó tiết kiệm chi phí và hạ giá sản phẩm. Họ còn tình nguyện thử sản phẩm mới cho Xiaomi.
Zhao làm việc 29 ngày một tháng trong một nhà máy lắp ráp ở Cam Túc. Lúc rảnh rỗi, anh thường dành 2-3 giờ vào các diễn đàn của Xiaomi, trả lời các câu hỏi của người dùng khác. Việc này đã giúp anh trở thành khách VIP của công ty.
"Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lúc mới dùng, nên giờ tôi muốn giúp người khác", anh cho biết. Anh đã nhận được quà cảm ơn từ Xiaomi vì những đóng góp này, trong đó có một chiếc webcam và hai sạc thông minh điều khiển bằng wifi. "Tham gia cộng đồng Xiaomi khiến tôi có cảm giác mình cũng có thành tựu", anh nói.
Hà Thu (theo Wall Street Journal)