Chúng ta im lặng cúi đầu thắp hương và để lại phong bì góp cho nhà có đám. Rồi chúng ta bước nhanh ra khỏi bầu không khí tang tóc ấy. Ngay lập tức chúng ta có thể bắt gặp cảnh nói chuyện rào rào, cười đùa rôm rả khi nhạc kèn đám ma vẫn còn rền rĩ văng vẳng.
Cũng có đôi khi chúng ta còn bàn luận xôn xao tới mấy ngày về sự ra đi đột ngột của một ai đó thân quen, mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng mấy ai còn thường nhớ tới họ sau một tháng? Cũng có đôi khi đi đường, vào những ngày thật đẹp trời, ngắm rặng bàng lên xanh bóng lá, trong ánh nắng dịu dàng và gió mát thổi ào ào khiến tôi muốn phóng như bay qua những cây cầu vượt, đấy, vào những ngày như thế, những ngày thấy lòng vui thơ thới chả hiểu sao tôi lại chợt nhớ tới những người thân yêu đã khuất bóng. Tôi điểm tên, đếm mãi, và thấy nhiều quá, quá nhiều.
Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và chúng ta rồi cũng quên người ông từng cõng chúng ta trên lưng làm ngựa nhong nhong thuở ấu thơ. Rồi cũng nhãng đi người bác ở quê từng thay mẹ nhá cơm bón cháo, trông nom ta những ngày chiến tranh, sơ tán. Quên cả người bạn thân vừa mới uống cạn cốc bia cuối ngày, hôm sau đã thấy vợ con khóc mếu báo tin dữ vì đứt mạch máu não... Thậm chí cha mẹ già với ta từng như một, nỗi nhớ thương dường như chẳng thể nào vơi cạn, nhưng sự thật là mỗi khi nhớ tới các Người quơ tay ra cũng chỉ là khoảng trống, không hơi ấm!
Đấy, nỗi ngạc nhiên của tôi là khoảng trống ấy. Là khoảng không gian bàng quan ấy. Họ, những người đã chết đi ấy, cũng đã từng như chúng ta đây, gương mặt, giọng nói, dáng hình, mùi mồ hôi, máu và nước tiểu, cơn giận dữ, nỗi chán chường, lòng yêu thương, niềm vui, nỗi buồn, thất vọng và hy vọng... Tất cả đã từng thực đến thế. Nhưng rồi họ đi đâu? Một khoảng trống vô hình mỗi người mất đi vô tình để lại. Hay nói đúng hơn, đấy là khoảng trống vô thủy vô chung mà họ gia nhập vào, hoà tan cùng. Họ biến mất. Nhẹ bỗng. Như thể một quân cờ trên bàn cờ, và một bàn tay vô hình ở trên cao nhấc bổng họ lên, gạt sang một bên. Rồi lại một bàn cờ khác được dựng lên.
Cái chết luôn là quá khứ đã qua, tương lai chưa tới. Cái chết luôn là của ai đó. Cái chết không phải của chúng ta. Hay nói một cách khác, ta biết rằng rồi ta sẽ chết, nhưng dường như sự biết ấy luôn luôn chìm lấp dưới những bản báo cáo phải hoàn thành, cuộc bầu bán nảy lửa ở cơ quan, hàng xóm xây nhà lấn cái mái hiên sang nhà mình, chuyện con cái không chịu đi theo những hoạch định mà chúng ta mong muốn, xấp hoá đơn tháng này phải trả…
Cứ thế, chúng ta sống và ít nghĩ về cái chết. Và vì cái chết không phải của chúng ta cho nên chúng ta thưa thớt về thăm cha mẹ, hoạ hoằn có tạt qua nhà cũng chỉ là để nhờ ông bà trông hộ con cái hay bàn bạc chuyện nhà cửa, tiền nong. Cho nên chúng ta thường đi qua một cây ngọc lan thơm mà không dừng lại hít thở ghi nhận mùi thơm ngọt ngào ấy. Cây ngọc lan năm nào chả thơm, chả nở, rồi sẽ có ngày thư thả, tha hồ mà mơ mộng, còn bây giờ chúng ta đang bị những dòng suy nghĩ lo toan vụn vặt chả có tên, chen chúc trong đầu lôi kéo chúng ta đi...
Tôi có thể đoan chắc với các bạn rằng, rất nhiều hành khách trên chuyến máy bay xấu số MH370 và MH17 trước khi tan biến vào hư không, họ vẫn còn kịp thoáng ước ao được một lần cuối cùng chạm tay vào người thân, muốn lấy lại dù chỉ là một vài phút giây để sướng vui và mỉm cười với cuộc sống. Nếu được sống lại, nhất định họ sẽ nói với chúng ta biết điều bí mật của họ. Các bạn thử đoán xem? Tôi thì đoán, họ sẽ nói: Bất cứ khi nào bạn cảm thấy gương mặt mình đang buồn thảm, lo lắng, hay căng thẳng, hãy hít thở thật sâu và mỉm cười nhé, các bạn, cho dù cuộc sống có đang như thế nào.
Bởi cái chết luôn chảy trong huyết quản và trên từng thớ thịt của các bạn. Con người cần biết quên để mà sống, duy nhất nên nhớ một điều - chúng ta luôn sống chung cùng cái chết. Chúng ta chỉ thực sự sống khi chúng ta luôn ý thức về sự chết từng phút giây.
Hàm Anh