Chỉ dài 6mm, chân cực ngắn và vẻ ngoài nặng nề, ve sầu nhảy (còn gọi là bọ nước bọt) khiến các nhà khoa học kinh ngạc với cú bật cao 70cm trong không khí. Kỷ lục này tương đương với việc con người vượt qua toà cao ốc 70 tầng cao 210m. Nhờ khả năng nhảy siêu phàm mà bọ nước bọt dễ dàng thoát khỏi sự truy đuổi của chim và các loài côn trùng ăn thịt.
Malcolm Burrows và các cộng sự tại Đại học Cambridge (Anh) tìm hiểu cách thức loài côn trùng này tích trữ năng lượng trước mỗi cú nhảy. Nhóm nghiên cứu nhận thấy hai chân sau cùng của bọ nước bọt dành riêng cho việc nhảy trên cây. Trong lúc di chuyển trên các tán lá, chúng kéo lê cặp chân này như một bộ phận thừa. Nhưng khi cần di chuyển xa, bọ nước bọt dồn toàn bộ trọng lượng cơ thể vào hai chân sau để tạo nên một lực nén cực lớn.
Trong giai đoạn nhộng, ve sầu nhảy được bảo vệ bởi một lớp nhựa sủi bọt. |
"Cặp chân nhảy của bọ nước bọt được cấu thành từ nhiều lớp biểu bì cứng và resilin (một loại protein có tính chất đàn hồi như cao su). Do đó chúng giống như hai cây cung. Khi bọ nước bọt co các cơ lại để chuẩn bị cho cú nhảy, hai cây cung uốn cong để hình thành một lực nén đủ sức đẩy một vật có khối lượng lớn gấp 400 lần cơ thể nó", Malcolm giải thích.
Theo Malcolm, có nhiều điểm tương đồng giữa cơ chế nhảy của bọ nước bọt và cơ chế đàn hồi của cung. Được cấu thành từ cả chất cứng và chất đàn hồi nên hai chân nhảy của bọ không bị tổn thương nếu chúng bị uốn cong trong thời gian dài. Cặp chân sau của bọ nước bọt luôn ở trong tư thế sẵn sàng để chúng có thể nhảy trong nháy mắt. Chúng có thể nhảy tức thì và liên tục mà không bị tổn thương hay kiệt sức.
Ve sầu nhảy được gọi là bọ nước bọt vì trong giai đoạn nhộng chúng được bảo vệ bởi một lớp nhựa sủi bọt. Khi còn bé chúng thiếu protein đàn hồi nên không thể nhảy. Khả năng đó chỉ xuất hiện khi chúng bước vào giai đoạn trưởng thành.
Việt Linh (theo Physorg)