![]() |
Chim chiến tranh. |
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm khoa học quốc gia Pháp đã gắn thiết bị đo độ cao và thiết bị định vị vệ tinh lên lưng 8 con chim chiến tranh làm tổ tại một khu bảo tồn thiên nhiên trên lãnh thổ Guiana (ở Nam Mỹ, thuộc Pháp). Dữ liệu gửi về đã khiến họ sửng sốt: Bầy chim bay suốt ngày đêm không nghỉ. Chúng cứ liên tiếp lao lên rồi lại sà xuống, cưỡi trên các luồng khí nóng để đạt tới độ cao 2.500 mét, rồi từ đó lại lượn xuống. Lợi dụng các luồng khí này, chúng bay xa khỏi tổ hơn 260 km, và chỉ để có một bữa no.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chim chiến tranh làm được điều đó là nhờ vào khả năng chao lượn cực kỳ hiệu quả: hầu như chúng không mất chút năng lượng nào cho việc vỗ cánh. Khả năng này có tầm quan trọng sống còn vì chúng kiếm mồi trong các vùng nước nhiệt đới, nơi thức ăn rất hiếm hoi. Có lẽ, sải cánh cực lớn của chim chiến tranh đã giúp chúng có đủ lực nâng để chao lượn như vậy: Khoảng cách giữa hai đầu mút cánh dài tới 2,4 mét, nhưng cơ thể chúng lại chỉ nặng chưa đầy 1,5 kg. Nếu so theo khối lượng cơ thể, thì loài chim này đoạt ngôi quán quân về diện tích cánh.
Mặt khác, vì bộ lông sặc sỡ của chim chiến tranh có rất ít chất nhờn, nên chúng hầu như không bao giờ đáp xuống mặt biển. Thay vì thế, chúng săn tìm những con cá nhỏ bị kẻ thù đuổi dồn lên trên mặt nước. Chim chiến tranh cũng thường xuyên “gây chiến”, bằng cách ép kẻ khác nhả rơi thức ăn, rồi lao xuống đớp. Cái tên của chúng cũng từ hành vi hung hăng này mà ra.
Chim chiến tranh sống lâu hơn 30 năm, thuộc diện "thọ" nhất trong những loài vật có cánh.
B.H. (theo Discovery)