Mùa xuân 2012, Tôn Hà Anh, con gái cả của vợ chồng chị Lã Thanh Hà và anh Tôn Đức Thế nhận được học bổng 320.000 USD từ Đại học Harvard, bên cạnh học bổng toàn phần của các đại học hàng đầu Mỹ như Princeton, Columbia, Brown và Wellesley College. Bốn năm sau, Tôn Hiền Anh, con gái út của anh chị cũng nhận học bổng của ngôi trường danh giá này.
Bác sĩ Lã Thanh Hà, giảng viên, trưởng khoa Da liễu Học viện Y dược cho biết, bí quyết của chị là làm gương và truyền cho các con cảm hứng đối với việc học hành. Trên căn gác của gia đình, anh Thế đặt một chiếc bàn to để ba mẹ con mỗi người học một góc. Nhiều lần về khuya đều thấy ba mẹ con vẫn đang học mải mê khiến anh phải thốt lên "học để sống hay để chết".
Vừa là giảng viên, vừa là bác sĩ, chị Hà tạo cho mình tính cách làm gì cũng chuẩn mực, khách quan. "Ranh giới giữa đúng sai rất gần nhau, để phân biệt được nhất định phải có kiến thức. Để có kiến thức, không có con đường nào khác ngoài học". Chị luôn nói như vậy để buộc các con cũng như sinh viên của mình phải suy nghĩ, đi đến tận cùng vấn đề.
Giây phút giải trí hiếm hoi của gia đình là giờ cơm, cùng xem thời sự hay phim truyện. Có lần, khi cả nhà đang xem Tam quốc diễn nghĩa, chị quay sang hỏi các con: "Tại sao Lưu Bị 3 lần cất công đi mời Khổng Minh?". Tuy cách giải thích của con còn giới hạn, mẹ không bao giờ phản bác mà lắng nghe, sau đó bày tỏ suy nghĩ của mình. Điều chị đạt được là các con có thể tự vận dụng kỹ năng phân tích và tư duy của mình để suy nghĩ và giải quyết câu hỏi đặt ra.
Khi mới vào Havard, Hà Anh hơi mất phương hướng vì ở đây như một chân trời mới, có trăm ngả đi, trăm lối về công việc. Trường cũng luôn có các chương trình hoạt động xã hội, nên cô ôm đồm làm đến 7 hoạt động trong năm thứ hai. Chị Hà góp ý con nên tập trung học chắc lý thuyết, song cô gái trẻ đưa ra nhiều lý lẽ không đồng ý với mẹ.
"Nhưng sau này mình nhận ra những kiến thức hàn lâm thực ra dạy cho sinh viên kỹ năng tư duy, nghiên cứu, giao tiếp, diễn thuyết - nền tảng quan trọng trong công việc và cuộc sống. Còn những kiến thức chuyên môn có thể học và tiếp tục học trong quá trình làm việc. Mẹ lúc nào cũng dùng lý lẽ thử thách suy nghĩ của mình và cuối cùng mình phải là người ra quyết định và tự chịu trách nhiệm", cô con gái Hà Anh, đang là cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York sau khi tốt nghiệp Harvard chia sẻ.
Bố của hai cô nữ sinh Harvard lại coi việc cân bằng cuộc sống, phát triển toàn diện và kỷ luật là điều kiện hàng đầu. Những ngày không phải đi công tác, anh luôn vực hai "công chúa" dậy đi thể dục. "Con buồn ngủ thì đi xong về ngủ tiếp. Nhưng kỷ luật thì không bỏ được", là câu anh thường nói trước phòng con lúc 5h sáng.
Nhờ có bố mà Hà Anh không có khiếu thể thao nhưng vẫn thích thử rất nhiều môn từ khúc côn cầu, bơi lội, tenis đến đấu kiếm trong thời gian học cấp 3 ở Mỹ. "Tiếng Anh của bố không tốt nhưng đi nước ngoài rất tự tin. Lúc bí là bố khoa chân múa tay, thậm chí nói cả tiếng Việt. Mình học được sự tự tin của bố. Hàng ngày tiếp xúc với lãnh đạo của những công ty hàng đầu thế giới, mình không lo sợ", Hà Anh chia sẻ.
Đôi vợ chồng chưa từng có ý nghĩ dạy khôn con mà chỉ dạy cho con có tâm hồn đẹp, bởi "tất cả những thứ khác khi ra đời con sẽ học được, nhưng bản chất lương thiện và thấu hiểu người khác thì rất khó dạy, phải rèn từ bé".
Cựu nữ sinh Harvard Hà Anh chia sẻ: "Có lần hai mẹ con tan học trời mưa rất to. Ai cũng cố gắng lái xe rất nhanh. Bỗng nhiên mẹ dừng lại, bỏ mình ướt sũng trên yên xe. Mẹ ngồi xuống cạnh một cô khuyết tật đang bế con nhỏ bên đường, cho họ tiền". Cô bé từ đó hay mang gạo cho những người khất thực dưới sân khu tập thể nhà mình, vì biết mẹ sẽ không đánh mắng.
Bây giờ, cô vẫn năng nổ tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Hà Anh hiện là chủ tịch hội nữ chuyên gia Việt tại Bắc Mỹ và trong ban tổ chức Vòng tay nước Mỹ, chuỗi hội thảo lớn nhất cho cộng đồng thanh niên và sinh viên Việt Nam tại đây.
Bài luận xin học bổng của Hà Anh năm 2012 có tựa đề "Ba vòng đời", trong đó kể về những thời điểm khác nhau ứng với từng thời kỳ lịch sử của đất nước, đam mê trau dồi tri thức và cống hiến cho xã hội vẫn cháy bỏng từ đời ông ngoại, đến mẹ, đến cô. Kết thúc bài luận, cô nữ sinh 17 tuổi đã liên hệ với hình ảnh tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới bị khủng bố 11/9. "Khi tòa nhà này đổ sẽ có tòa nhà khác mọc lên, thế hệ này đi qua sẽ có thế hệ khác đến. Vì vậy cần giữ vững niềm tin vào đất nước và cùng vượt qua khó khăn". Điều trùng hợp là Hà Anh đang làm việc tại trụ sở của tập đoàn McKinsey & Company, trong chính tòa nhà mọc lên từ nền đất của tháp đôi WTC sau thảm họa khủng bố.
Phan Dương