Tại ngôi đền 1.300 năm tuổi Katsuo-ji, thành phố Osaka, hàng nghìn con búp bê daruma xuất hiện ở mọi ngóc ngách. Chúng được tìm thấy quanh các bàn thờ, rải rác trên những con đường quanh co, thấp thoáng giữa khu rừng trên sườn đồi.
Daruma là búp bê không mắt nổi tiếng của Nhật Bản, hình tròn, được sơn màu đỏ và có biểu cảm cau có. Búp bê cao từ vài cm đến cả mét và được coi như một lá bùa may mắn.
Marco Fasano, hướng dẫn viên du lịch người Italy, sống tại Nhật Bản, cho biết không giống những loại bùa may mắn khác, búp bê daruma không đơn giản chỉ là ước một điều và hy vọng nó thành hiện thực.

Búp bê daruma có hình tròn, màu đỏ rực rỡ và hai mắt mở to. Ảnh: CNN
Có cả một quy trình du khách cần thực hiện khi mua loại búp bê này. Trước tiên, người mua cần nghĩ về một điều gì nó và mong muốn nó được hoàn thành, sau đó ước và vẽ một bên mắt cho búp bê, thanh tẩy daruma bằng một ít hương nén đốt lên rồi mang theo bên mình. Khi điều ước thành hiện thực, người sở hữu mới vẽ tiếp con mắt còn lại.
Theo đại diện đền Katsuo-ji, được biết đến với tên gọi khác là đền daruma, trước đây nhiều hoàng đế, tướng quân từng đến để cầu phúc. Do đó, ngày nay, ngôi đền còn biết đến là biểu tượng của may mắn và thành công. Người dân địa phương bắt đầu kéo tới để tham quan, cầu may trước mỗi kỳ thi hay trước khi đi ký kết hợp đồng quan trọng. Bắt đầu từ 100 năm trước, ngôi đền bắt đầu bán búp bê cầu may daruma.
"Mỗi khi nhìn vào daruma, bạn cần nhớ đến điều ước của mình và tự hỏi bản thân ngày hôm nay sẽ làm gì để biến ước mơ thành hiện thực", Marco nói. Và việc búp bê vẫn còn thiếu một bên mắc là lời nhắc nhở rõ nét nhất với mỗi người, họ cần phải nỗ lực để thực hiện mục tiêu đề ra.
Vào thời điểm giấc mơ thành hiện thực, người ước hoàn thành mục tiêu, búp bê daruma đã đủ mắt, người mua có thể trả lại nó về đền.
Bên cạnh đó, búp bê còn là biểu tượng của sự kiên trì. Tên gọi daruma cũng là tên một nhà sư nổi tiếng của Nhật Bản vào thế kỷ V, sáng lập ra Thiền tông. Các tín đồ luôn tin rằng nhà sư đã thiền định quá lâu nên mất đi tứ chi, điều này được thể hiện qua hình dáng tròn của búp bê, với phần đế nặng hơn phần đầu để nó luôn có thể đứng dậy sau khi bị đổ.

Du khách chụp hình với các búp bê daruma tại Nhật Bản. Ảnh: CNN
Theo truyền thuyết địa phương, nhà sư trong lúc thiền định đã cắt mí mắt để tránh ngủ gật. Điều này lý giải nguyên nhân mắt của búp bê daruma thường mở to.
Katsuo-ji không phải ngôi đền daruma duy nhất tại Nhật. Tại cố đô Kyoto, đền Hōrin-ji sở hữu gần 8.000 con búp bê này. Phần lớn trong số đó là do những người yêu mến và tín đồ của ngôi đền tài trợ.
Ngày nay, du khách đến Nhật Bản có thể dễ dàng tìm mua búp bê daruma ở mọi nơi. Tuy nhiên, 80% số lượng búp bê được làm ở Takasaki, thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Gunma, vùng Kanto. Đây cũng là nơi có truyền thống làm giấy bồi thủ công có niên đại từ 220 năm trước và tổ chức "chợ daruma" thường niên. Du khách đã bắt đầu đặt búp bê quanh khuôn viên đền từ 100 năm trước.
Tại đền Katsuo-ji, du khách có thể mua hai loại daruma: kachi - daruma, loại búp bê cổ điển được dùng để ước và hoàn thành mục tiêu, cùng daruma-mikuji hay búp bê bói toán. Loại thứ hai chỉ có tại đền.

Búp bê bói toán daruma-mikuji tại đền Katsuo-ji. Ảnh: Japonismo
Thay vì vẽ mắt cho daruma bói toán, du khách sẽ đặt một câu hỏi trước khi chọn búp bê. Mỗi daruma-mijuki chứa một cuộn giấy nhỏ ghi lời khuyên, giúp du khách định hướng được cần làm gì để đạt mục tiêu.
Năm 2024, Nhật Bản đón lượng khách quốc tế kỷ lục 36,8 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2019. Trong đó, Osaka là tỉnh đứng thứ hai về lượng khách lưu trú qua đêm và Katsuo-ji chào đón một triệu khách mỗi năm, trong đó 70-80% là khách quốc tế.
Anh Minh (Theo CNN)