Nếu là ngày thường, cô có thể viện cớ ốm, đi công tác để khỏi phải gặp mặt và trao đổi cách thức liên lạc với những chàng trai lạ mặt. Nhưng nghỉ Tết chỉ ở nhà, buộc Ninh phải làm theo sự sắp xếp và giám sát của bố mẹ.
Sau những buổi xem mắt, bà mẹ chưa dừng lại mà liên tục thúc giục cô chủ động nhắn tin. Các chàng trai được mai mối đều có công việc ổn định, ngoại hình ưa nhìn, gia đình môn đăng hộ đối.
"Mấy ngày nghỉ quý giá của tôi biến thành các cuộc gặp gỡ gượng gạo. Bản thân cũng không muốn mở lòng nếu bị ép buộc nên chỉ định gặp một lần", cô gái làm kế toán ở Hà Nội nói.
Từ khi bước qua tuổi 30, Nhật Anh quê Nghệ An, nhân viên kỹ thuật ở TP HCM liên tục bị bố mẹ, họ hàng mai mối mỗi lần về quê. Tết 2023, anh được giao trách nhiệm đưa mẹ đi chúc Tết thay bố. Tất cả các nhà mẹ con anh đến chúc Tết đều có con gái chưa kết hôn, kém anh 2-5 tuổi.
Ngoài cảm giác ngại ngùng, Nhật Anh cho biết nhiều đối tượng được giới thiệu không hợp tính cách, lối sống hay trình độ học vấn. Về nhà anh cũng không liên lạc, tránh mất thời gian của cả hai.
"Ngay cả khi chúng tôi hợp nhau về mọi mặt nhưng nếu cô ấy làm ở Nghệ An tôi cũng đành từ chối bởi không thể từ bỏ sự nghiệp để về quê. Và chắc gì đối phương chấp nhận chuyển vào TP HCM theo chồng", Nhật Anh nói. Đây cũng là lý do người đàn ông này luôn muốn tìm một cô gái cùng ngành, chung quan điểm sống, ngoại hình ưa nhìn và làm việc ở TP HCM để kết hôn, thay vì thuận theo sắp xếp của bố mẹ.
Nhật Anh và Hoàng Ninh thuộc 31% những người không thích bị mai mối theo khảo sát của VnExpress. Chỉ 20% coi đây là cơ hội tìm được bạn đời. Không ít bài viết, video chia sẻ trên mạng xã hội về tình trạng người trẻ bị mai mối khi về Tết thu hút nhiều sự quan tâm. Dưới bài đăng nhiều tài khoản cũng chia sẻ các trải nghiệm tương tự.
Theo chuyên gia Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyện "bị mai mối" diễn ra khá phổ biến xuất phát từ tâm lý sốt ruột của phụ huynh khi con cái chưa lập gia đình, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ người độc thân ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tuổi kết hôn lần đầu trung bình của cả nước năm 2021 là 26,2, cao hơn 0,5 tuổi so với 2020; đến năm 2022 là 26,9 tuổi. Các chuyên gia dự báo năm 2034 sẽ có 1,5 triệu nam giới và đến năm 2050 tăng lên 4 triệu nam giới đối diện với nguy cơ không lấy được vợ.
Sợ con trai "ế vợ", bà Kim Lý, 65 tuổi mẹ Nhật Anh chủ động tìm con dâu. Trước đó người phụ nữ này nhiều lần tâm sự, thuyết phục con tìm kiếm người yêu nhưng bất thành. Thấy Tết là thời điểm thích hợp, bà Lý cùng chồng lên danh sách các gia đình có con gái chưa chồng trong làng, để kết nối trước. "Lén lút sắp xếp cho con chẳng vui vẻ gì, nhưng tôi đành cố chứ để chúng tự do thì 40-50 tuổi vẫn ở vậy, bố mẹ thì ngày một già", bà nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho biết hiện tượng bị thúc giục kết hôn, lập gia đình không mới, thậm chí ở thế hệ trước còn khắc nghiệt hơn. Nhưng do người trẻ ngày càng chủ động, độc lập, được hội nhập văn hóa khiến việc thúc giục của phụ huynh và những người xung quanh bị cho là cổ hủ, lạc hậu.
Tuy nhiên liên tục giục kết hôn, mai mối sẽ "hại nhiều hơn lợi". Các chuyên gia cho rằng người trẻ ngày nay phải chịu nhiều áp lực hơn từ công việc khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, gánh nặng cơm áo gạo tiền hoặc liên tục tăng ca khiến họ mong có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng thay vì bị ép xem mắt.
"Trong nhiều trường hợp người trẻ có thể nảy sinh tâm lý khó chịu, căng thẳng, mệt mỏi, mẫu thuẫn với người thân hoặc ngại về quê đón Tết", chuyên gia Vũ Thu Hương khuyến cáo.
Từng chia sẻ trên VnExpress, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng viện nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cũng cho biết chuyện người trẻ sợ Tết hay trốn ăn Tết phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Hiện chưa có khảo sát cụ thể về hiện tượng này nhưng chuyên gia nhận định thường rơi vào người trẻ trên 25 tuổi. "Đây là thời điểm xã hội bắt đầu đặt ra những kỳ vọng về chuyện lập gia đình, lương thưởng, áp lực kinh tế khi Tết đến, khiến người trẻ rơi vào tâm lý sợ hãi và tìm cách trốn tránh", ông Lộc nói.
Như với Hoàng Ninh liên tục bị sắp xếp các buổi mai mối tại nhà khiến cô mệt mỏi, tìm đủ lý do để trốn. Ngoài gặp bạn bè, cô gái 27 tuổi lại lang thang ở quán cà phê từ sáng đến tối muộn, chờ đến mùng 6 để lên Hà Nội.
Mệt mỏi khi liên tục phải đi xem mắt, Nhật Anh thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ với mẹ. Nhưng thay vì đồng cảm, hai mẹ con anh xảy ra cãi vã. "Mẹ còn nói dỗi nếu tôi không chịu kết hôn thì đừng về nhà. Cả năm đi làm, về nhà mong được nghỉ ngơi thì lại phải nghĩ trăm nghìn cách né mai mối đến mệt", anh nói.
Từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Tết Nguyên đán 2024 Thanh Tâm ở Thanh Hóa chọn đi du lịch. Cô gái 29 tuổi cho biết sẽ về nhà vào tối 29 Tết để đón giao thừa với bố mẹ và đặt vé đi du lịch từ sáng mùng 1 Tết. Lựa chọn này giúp Tâm có nhiều thời gian cho bản thân. Cô khẳng định sẽ kết hôn nhưng ở thời điểm hiện tại chưa tìm được người phù hợp.
Để người trẻ không sợ về quê ăn Tết hoặc mâu thuẫn với bố mẹ, chuyên gia Vũ Thu Hương khuyên các gia đình nên cân nhắc các hình thức "se duyên" phù hợp. Các bậc phụ huynh cần thẳng thắn bày tỏ mong muốn sẽ giới thiệu chàng trai, cô gái cho con trong dịp Tết nhưng luôn phải tôn trọng quyết định của con. Và chính người trẻ cũng cần phải tích cực trao đổi, bày tỏ suy nghĩ thay vì giữ thái độ tiêu cực bởi suy cho cùng bố mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con.
"Mai mối không xấu nhưng cần lựa chọn đúng thời điểm, hợp hoàn cảnh. Chẳng còn gì trọn vẹn hơn khi ngày đầu xuân năm mới được sum họp gia đình và may mắn tìm thấy bạn đời", bà Hương nói.
Ngọc Linh, 27 tuổi ở Hải Phòng cũng vừa kết hôn với chàng trai hơn ba tuổi do bố mẹ giới thiệu. Thấy nhiều điểm tương đồng và hợp tích cách, cả hai đã lập gia đình sau 8 tháng tìm hiểu.
"Tôi may mắn vì tìm được người phù hợp. Hai gia đình biết nhau trước khiến việc tìm hiểu, ra mắt hay kết hôn dễ dàng hơn", Linh nói.
Quỳnh Nguyễn