Chen Xiaobai, một nhân viên thiết kế đồ họa đến từ thành phố Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) điều hành nhóm WeChat có tên "Nạn nhân của những vụ lừa bán khẩu trang trực tuyến" kể từ đầu tháng 2. Tất cả 170 thành viên của nhóm đều bị lừa tiền khi mua khẩu trang trực tuyến để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi virus corona.
Theo SCMP, Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người, trong khi sản lượng khẩu trang khoảng 22 triệu chiếc mỗi ngày. Do nhu cầu vượt xa nguồn cung, nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài "săn" khẩu trang trên các nhóm WeChat.
Chen thành lập nhóm WeChat trên vì chính cô cũng là nạn nhân của một vụ lừa đảo trong ngày đầu tiên của Tết nguyên đán. Khi tin tức về dịch bệnh bắt đầu lan rộng, cô gái 21 tuổi này nóng lòng muốn mua cho các thành viên trong gia đình.
Vì tất cả sàn thương mại điện tử đều hết hàng, Chen chuyển sang tìm kiếm trên mạng xã hội Weibo, nơi cô gặp kẻ lừa đảo. Sau khi trao đổi trên WeChat, cô chấp nhận chuyển cho người này 1.000 nhân dân tệ (143 USD) để đổi lấy 100 chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, Chen không bao giờ nhận được chúng.
"Tôi biết đó là cách mạo hiểm, nhưng anh ta đã trả lời tôi qua tin nhắn thoại và nhận là đồng hương của tôi", Chen nói. "Tôi càng tin tưởng khi anh ta đăng trên WeChat rằng sẽ tặng khẩu trang miễn phí cho người dân ở Vũ Hán. Tại sao một người muốn làm từ thiện lại đi lừa gạt người khác?".
Tính đến ngày 24/2, đã có hơn 7.500 vụ lừa đảo liên quan đến virus corona ở Đại lục, gây tổn thất 192 triệu nhân dân tệ (28 triệu USD), theo dữ liệu của Bộ Công an Trung Quốc và tập đoàn Tencent Holding. Trong số đó, 96,9% vụ lừa bán khẩu trang. Tại Hong Kong, hàng trăm người cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân trong những vụ lừa bán khẩu trang của một nhóm trên Facebook.
Sáu nạn nhân mất tiền trong các vụ lừa đảo liên quan đến virus corona, gồm Chen, cho biết họ muốn mua khẩu trang cho gia đình, cũng như quyên góp cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu.
"Các nền tảng mạng xã hội làm cho mọi người nghĩ rằng họ biết và có thể tin tưởng lẫn nhau, họ thường bỏ qua việc xác minh thông tin quan trọng", Alan Lin, một doanh nhân ở Thung lũng Silicon cho biết. Ông là nhà sáng lập nhóm tình nguyện hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ xác minh thông tin liên quan đến sản phẩm y tế, cũng như quyên góp khẩu trang cho người dân tỉnh Hồ Bắc.
"Sự tiện lợi của các nền tảng Internet tạo điều kiện cho những vụ lừa đảo diễn ra với quy mô lớn hơn trước đây", Lin nhận định.
Steve Mo (44 tuổi), quản lý của một công ty xây dựng ở thành phố Thường Đức (tỉnh Hồ Nam) muốn các nhân viên an tâm quay lại làm việc nên quyết định chi 600 nhân dân tệ (86 USD) để mua 300 chiếc khẩu trang bán trong một nhóm WeChat.
Thay vì 300 chiếc mặt nạ, Mo chỉ nhận được hai chai xà phòng giống các nạn nhân khác. "600 nhân dân tệ không phải vấn đề lớn đối với tôi, nhưng những vụ lừa bán khẩu trang đang diễn ra ở quy mô lớn đã trở thành mối lo ngại của cả xã hội", Mo nói.
Ngoài những vụ lừa đảo trực tuyến, Trung Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng về số vụ tấn công mạng, nhắm mục tiêu là những người tìm kiếm thông tin về virus corona. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp virus máy tính quốc gia của Trung Quốc phát hiện hacker dùng chủ đề như "chủng virus corona mới" để dụ người dùng nhấn vào liên kết trong e-mail và WeChat, qua đó đánh cắp thông tin và dữ liệu nhạy cảm trên máy tính.
"Hacker vô tâm và không để ý tới hoàn cảnh của nạn nhân", Michael Hackeley, đồng sáng lập công ty an ninh mạng Network Box Corp cho biết. "Thực tế, chủ đề đáng sợ càng dễ khiến người dùng nhấp vào".
Ví dụ, người dùng đã nhận được e-mail giả mạo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kèm theo liên kết để người dùng cập nhật về virus corona. Nhưng khi nhấn vào liên kết, nạn nhân bị chuyển hướng tới một trang web yêu cầu khai báo tên tài khoản và mật khẩu Outlook.
"Có khoảng 30 đến 35% người dùng sử dụng chung thông tin đăng nhập cho mọi dịch vụ. Vì vậy, nếu hacker lợi dụng virus corona để khiến bạn cung cấp mật khẩu, nó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến những khía cạnh khác như tài khoản ngân hàng hay khả năng bảo mật của mạng máy tính công ty".
Để ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo như vậy, dịch vụ thanh toán phổ biến AliPay đã tích hợp công cụ giúp người dùng phân biệt mã QR tạo ra từ hệ thống và mã QR chứa liên kết độc hại. WeChat cũng khóa hàng chục tài khoản gian lận tín dụng và khuyến khích người dùng báo cáo các tài khoản vi phạm vào năm ngoái.
Trong khi đó, Chen vẫn hy vọng có thể sử dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dùng về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Động lực để Chen duy trì nhóm WeChat là do nhiều người muốn cô chia sẻ kinh nghiệm bản thân. "Tôi cảm thấy hạnh phúc khi cố gắng giúp đỡ người khác", Chen giải thích.
Tuy nhiên, Chen cũng cảnh báo rằng nguy cơ lừa đảo cũng tồn tại trong các nhóm hỗ trợ trên WeChat như nhóm của cô. "Tôi là người duy nhất quản lý nhóm nên rất khó để biết mỗi thành viên là nạn nhân thực sự hay kẻ xấu tìm kiếm cơ hội để lừa gạt người khác", Chen nói thêm.
Việt Anh (theo SCMP)